Tòa án Pháp vừa xét xử và tuyên án 5 năm tù giam cho nhà vật lý - hạt nhân Adlene Hicheur. Nhà khoa học trẻ bị buộc tội vì cấu kết với một thành viên al-Qaeda trong một âm mưu khủng bố. Dĩ nhiên Hicheur phủ nhận cáo buộc này.
Adlene Hicheur (phải) tại tòa án |
Sự nghiệp đầy triển vọng
Adlene Hicheur, 36 tuổi, là nhà khoa học người Pháp gốc Algeria, làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) ở Geneva (Thụy Sĩ). Anh ta là trường hợp điển hình cho hàng nghìn người Algeria, cho dù 50 năm qua đã tuyên bố độc lập, tách khỏi Pháp, nhưng vẫn có những quan hệ chặt chẽ với mẫu quốc. Adlene có bố làm thợ nề, còn mẹ làm nội trợ, gia đình Adlene chuyển từ Algeria đến Pháp vào năm 1977, khi nhà khoa học tương lai mới lên một tuổi.
Có thể thấy, những người con trai của ông bà Hicheur được thụ hưởng một nền giáo dục không tồi. Không chỉ Adlene mà người em là Khalim Hicheur khi trưởng thành đều theo đuổi sự nghiệp khoa học. “Học xong phổ thông, tôi và anh trai Adlene đều rất yêu thích khoa học”, Khalim Hicheur giờ đã là nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học nhớ lại. Còn với người anh - Adlene Hicheur thì sao? Những người họ hàng của Adlene đều nói, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé đã rất thích thú với đề tài sự hình thành và phát triển của vũ trụ.
Vào năm 2000, Adlene tốt nghiệp xuất sắc trường École Normale Supérieure de Lyon. Ba năm sau đó, Adlene bảo vệ luận án tại Đại học tổng hợp Chambéry với đề tài sự phân hủy của meson B. Các nghiên cứu này trả lời các câu hỏi cơ bản mà các nhà khoa học không thể được giải thích trong khuôn khổ của mô hình truyền thống là tại sao vật chất trong vũ trụ nhiều hơn so với phản vật chất?
Vào năm 2003, nhà khoa học bắt đầu hợp tác với Phòng Thí nghiệm Quốc gia Rutherford Appleton của Anh. Tại đây nhà vật lý- hạt nhân được làm các thí nghiệm cơ bản tại máy va chạm Hadron Lớn. Sau đó Adlene Hicheur làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) và cống hiến cho các thí nghiệm LHCb có liên quan đến vật chất và phản chất trong vũ trụ.
Các đồng nghiệp đều nhận xét, đánh giá khá tốt về Adlene, họ không hề nghi ngờ về khả năng của nhà khoa học trẻ có phần hơi nhút nhát này. Và vốn là gốc người Algeria, nên đương nhiên Adlene rất tôn thờ các tư tưởng của đạo Hồi.
Thất bại đầy bất ngờ
Ngày 8/10/2009, Adlene Hicheur bị bắt tại căn hộ của cha mẹ ruột ở thành phố Vienna, Áo. Sau đó 5 ngày, anh ta bị buộc tội khủng bố. Bằng chứng chính để khởi tố và bắt giam Adlene là những bức thư điện tử của nhà khoa học trẻ này, đã được nhân viên các cơ quan bảo vệ theo dõi và đọc từ một vài năm qua.
Lần đầu tiên Adlene bị chú ý là khi Pháp và Bỉ phối hợp trong một chiến dịch chống lại các website của những kẻ Hồi giáo cực đoan, nhằm tuyển dụng người tại châu Âu cho các hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan. Khi đó các cơ quan bảo vệ phát hiện Adlene trong chừng mực nào đó có liên lạc với những kẻ cực đoan trên internet. Vào cuối năm 2008, phần lớn các thành viên của tổ chức mà Adlene có liên lạc đã bị bắt giữ. Nhà khoa học trẻ khi đã bị cơ quan tình báo theo dõi, bắt đầu đi tìm một tổ chức khác để thể hiện lòng sùng kính đạo của mình.
Các tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, sau đó Adlene bắt liên lạc với al-Qaeda thuộc tổ chức Hồi giáo Maghreb (AQIM) có trụ sở tại Algeria. Adlene trao đổi thư từ đã được mã hóa với AQIM, nhưng cơ quan điều tra của Pháp và của một số nước khác không mấy khó khăn để giải mà những bức thư này. Trong một lá thư, nhà khoa học trẻ viết rằng, anh ta sẵn sàng “chinh phục các mục tiêu có thể tại châu Âu và tại Pháp”.
Luật sư của Adlene (trái) trả lời phỏng vấn báo chí. |
Thời gian qua đi khá lâu, nhưng thông tin chính thức về các mục tiêu bị đe dọa là không có. Nguồn tin từ các phương tiện truyền thông, cho rằng mục tiêu của bọn khủng bố là một nhà máy lọc dầu và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Mùa thu năm 2009, cảnh sát Pháp thông báo rằng, Adlene chuẩn bị tấn công vào căn cứ quân sự ở Annecy, nơi mà quân lính Pháp sẽ được bổ sung cho lực lượng quân đội của nước này đang đóng ở Afghanistan.
Tất nhiên vụ việc Adlene rất thu hút sự chú ý của công luận. Adlene bị cáo buộc tội danh chủ yếu dựa vào lời khai của chính nhà khoa học này. Có lẽ chính vì thế mà nó không thuyết phục được tất cả mọi người. Bên cạnh đó, Adlene lại bị thoát vị đĩa đệm và sức khỏe của anh ta trở nên tồi tệ. Các đồng nghiệp đã tổ chức các chiến dịch quốc tế để thể hiện tình đoàn kết với Adlene. Có hàng chục nhà vật lý của thế giới (trong số này có cả giáo sư vật lý người Đức - Jack Steinberger, từng đoạt giải Nobel) đã đấu tranh đòi trả tự do cho Adlene. Ít nhất là có 15 lần, các luật sư đòi tòa án cho Adlene tại ngoại và cấm ra khỏi nơi cư trú, nhưng đều không thành công.
Ở một góc độ khác, tại nơi mà Adlene làm việc, uy tín khoa học của anh ta khiến một số đồng nghiệp gần như hoảng loạn. Quả là không dễ chịu chút nào, khi một người tiếp cận với công nghệ cao, nhưng lại không mấy hiểu biết về năng lượng hạt nhân lại có thể đề nghị được phục vụ cho tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới. Hãng điều tra tư nhân Stratfor đã nói về chuyện này như sau: “Một nhà khoa học của CERN không có nghĩa là anh ta có thể thực hiện thành công vụ khủng bố. Và quan trọng hơn cần phải hiểu rằng, các nghiên cứu của Adlene không thể dẫn đến việc chế tạo được vũ khí để phục vụ cho các mục tiêu khủng bố”.
Mức án không mong đợi
Ngay trước khi phiên tòa xét xử Adlene, tại Pháp xảy ra hàng loạt vụ việc mà theo các nhà quan sát có thể tác động đến việc tuyên án nhà khoa học trẻ này.
Ngày 11/3 một sát thủ đi xe gắn máy nổ súng ở Toulouse làm một binh sĩ Pháp gốc Caribbean thiệt mạng. 4 ngày sau đó, ngày 15/3, súng lại nổ ở thị trấn Montauban, cách Toulouse 50 km về phía Tây Nam, hai binh sĩ người Pháp gốc Hồi giáo thiệt mạng, một binh sĩ bị thương. Ngày 19/3: Nổ súng tại trường học Ozar Hatorah ở Toulouse, ba trẻ em và một thầy giáo người Do Thái thiệt mạng.
Cảnh sát điều tra truy tìm và kết luận thủ phạm của ba vụ nói trên là Mohammed Merah người gốc Algeria. Ngày 22/3 Merah đã bị bắn chết khi cảnh sát bao vây ngôi nhà của hắn. Trước khi chết Merah còn tuyên bố hắn làm như vậy là để trả thù cho những người Hồi giáo bị xua đuổi ở Israel và Pháp.
Vụ việc trên khiến tại Pháp người ta có ác cảm hơn những người Hồi giáo. Trong vòng một thời gian ngắn, cảnh sát bắt giữ hàng chục người bị nghi ngờ là khủng bố. Ngay cả ông Nicolas Sarkozy trong chiến dịch tranh cử tổng thống cũng giở chiêu bài chống khủng bố để lấy lòng cử tri. Trong tình hình như thế, không ít người lo ngại, bản án cho Adlene sẽ không được công bằng.
Phía tòa án thì cho rằng, Adlene là “tên khủng bố mới vào nghề”, còn luật sư của anh ta lại biện minh rằng, Adlene chỉ quan tâm đến tư tưởng Hồi giáo mà không làm điều gì khác. Còn chính Adlene thừa nhận mình có quan hệ với al-Qaeda, nhưng phủ nhận mình là kẻ khủng bố. Anh ta nói rằng khi viết những lá thư điện tử, anh ta bị thuốc morphine để chữa thoát vị đĩa đệm tác động. Adlene cũng nói do bệnh tật mà anh ta luôn bị căng thẳng.
Bản án 5 năm tù là chỉ bằng một nửa so với dự đoán của giới chuyên môn. Tuy nhiên, sau hơn hai năm rưỡi bị giam giữ và luôn có ý thức hợp tác tốt với cơ quan điều tra và tòa án, nhiều khả năng nhà khoa học này sẽ được trả tự do sớm.
Ngụy Ngữ Ngôn