Nhìn thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện cứu giúp mà không cứu dẫn đến hậu quả người đó chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
LS Phạm Thanh Bình |
Như tin đã đưa, khoảng 1h chiều ngày 24/5, tại cầu Kinh Thanh Đa trên sông Sài Gòn, TP.HCM, một cô gái đã bất ngờ nhảy sông tự tử. Theo một số nhân chứng, trước đó họ thấy cô gái trên đứng tâm sự với một người con trai. Sau một lúc nói chuyện, cô gái bất ngờ nhảy xuống sông tự tử trong khi người thanh niên kia không có một phản ứng nào và bỏ đi. Luật sư Phạm Thanh Bình (VP Luật sư Hồng Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét, hành vi của nam thanh niên nói trên nếu thực sự là lạnh lùng bỏ đi, bỏ mặc bạn gái nhảy sông tự tử thì có thể người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo luật sư Bình, hành động dửng dưng bỏ đi của nam thanh niên khi thấy bạn gái nhảy sông tự vẫn đủ yếu tố để truy cứu về tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu giúp, dẫn tới người đó chết (Điều 102 Bộ luật Hình sự). Hành vi nhìn thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể trong trường hợp này là nhìn thấy bạn gái nhảy xuống sông tự tử mà không có hành động nhảy xuống cứu, hoặc nếu không biết bơi thì phải hô hoán, có thể bị truy cứu theo Khoản 1 Điều 102 Bộ Luật hình sự, với mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, cao nhất là 2 năm tù. Cũng theo phân tích của ông Bình, hành động của nam thanh niên không thể truy cứu về tội Giết người vì “nam nữ đang yêu, cãi nhau là chuyện bình thường, tự tử là hành động tiêu cực do nạn nhân chủ động tự chọn chứ không phải do nam thanh niên kia gây ra”. Nếu bị truy cứu về tội bức tử thì mức hình phạt cao hơn (từ 2 năm đến 7 năm tù giam). Tuy nhiên, để truy cứu về tội này thì phải làm rõ được nam thanh niên kia là người đã đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục bạn gái. Và người bạn gái phải là người sống lệ thuộc vào anh ta, tức là cô gái phải dựa vào người phạm tội trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần. "Tuy nhiên, theo thông tin đến thời điểm này, thì cũng chưa xác định được mức độ quan hệ của nạn nhân với nam thanh niên kia nên cũng chưa đủ thông tin để khẳng định nam thanh niên kia có phạm tội bức tử hay không", ông Bình phân tích.
Điều 102 Bộ luật Hình sự: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Theo Ng.L
VTC news
VTC news