Kế hoạch “trộm long tráo quạ” hoàn hảo trong vụ cướp vàng ở Anh

Khi các nhân viên đường sắt mở niêm phong kiểm tra, số vàng 91 kg đã biến thành chì
Khi các nhân viên đường sắt mở niêm phong kiểm tra, số vàng 91 kg đã biến thành chì
(PLO) - Trong suốt chiều dài lịch sử, thế giới đã chứng kiến không ít vụ cướp tàu hỏa trắng trợn và manh động. Trong số đó, vụ tráo vàng ở Anh năm 1855 cho tới ngày nay vẫn được nhắc tới như một bài học đau thương của ngành đường sắt thế giới.

Trên một chuyến tàu của Hãng đường sắt South Eastern đi từ ga London Bridge (Anh) qua Paris, tổng cộng 91kg vàng trị giá khoảng 12.000 bảng Anh (tương đương hơn 1 triệu USD ngày nay) đã bị đánh cắp trong hành trình đến cảng Folkestone, nơi mà số vàng sẽ được vận chuyển qua eo biển English Channel để đến Boulogne.

Vàng biến thành chì

Vào đêm 15/5/1855, ba hòm chứa vàng của Công ty Abell, Công ty Spielmann và Bult được niêm phong, buộc chặt với những thanh sắt và đặt bên trong chiếc tủ đã khóa cẩn thận.

Khi các nhân viên vận chuyển những hòm vàng ra khỏi tủ tại Boulogne, họ phát hiện một hòm chỉ nặng 18kg, trong khi hai hòm kia thì nặng hơn một chút. Mặc dù cảm thấy có cái gì đó khác lạ, các hòm vàng vẫn được chuyển sang chuyến đi tiếp theo về Paris.

Đến Paris, trước lúc bàn giao cho khách hàng, bộ phận chuyên trách đã cân lại và khi mở niêm phong kiểm tra, trước sự ngỡ ngàng của những người có mặt, số vàng bên trong đã biến thành chì.

Rõ ràng vụ đánh tráo đã diễn ra trước khi lên tàu từ Boulogne về Paris. Điều bất thường là khóa và niêm phong không có dấu hiệu bị phá hay làm giả.

Cảnh sát ngay lập tức vào cuộc. Ban đầu, cánh báo chí nhận định “vụ cướp không thể diễn ra nhanh chóng ngay trên chuyến tàu từ London đến Folkstone”. Tuy nhiên, sau khi điều tra, cảnh sát kết luận nó không thể thực hiện được tại Folkestone hoặc trên tàu qua eo biển English Channel, thậm chí trước khi đoàn tàu rời bến ở ga London Bridge và do đó những tên cướp chắc chắn đã hành động khi tàu đang di chuyển.

Lực lượng cảnh sát Anh và Pháp đã mở rộng tìm kiếm trong nhiều tháng và bắt giữ hàng trăm nghi phạm để thẩm vấn nhưng không có kết quả. Dư luận Anh cho rằng vụ cướp xảy ra trên lục địa nước Pháp, trong khi đó, cảnh sát Pháp lại tuyên bố vàng đã biến mất ở Anh dựa trên sự khác biệt về trọng lượng của những chiếc hòm ở Boulogne.

Hãng đường sắt South Eastern đã đưa ra một phần thưởng khá lớn cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ hung thủ và thu hồi số vàng, tuy nhiên chỉ nhận được các thông tin sai lệch.

Trong khi vụ án đang đi vào bế tắc thì tháng 8/1855, Edward Agar, một tên tội phạm chuyên nghiệp, đã bị bắt giữ vì sử dụng séc giả, bị kết án và thi hành tại nhà tù Pentonville. Tại đây, y nhắn cho bạn gái là Fanny Kay tới gặp William Pierce - một cựu nhân viên hãng đường sắt South Eastern - để lấy 7.000 bảng Anh.  Nhưng khi đến, Pierce không hề đưa cho cô số tiền này.

Nhận thấy có điều đáng ngờ, mùa hè năm 1856, Kay đã đến gặp thống đốc nhà tù. Thống đốc sau đó liên lạc với điều tra viên Rees và ông này đã tới gặp Agar thời điểm đó đang thi hành án tại nhà tù Portland. Sau một hồi thuyết phục và động viên, Agar quyết định nói ra toàn bộ sự thật.

Kế hoạch không thể hoàn hảo hơn

Agar gặp Pierce lần đầu lúc Pierce đang làm việc cho Công ty đường sắt South Eastern. Khi Agar trở về Anh sau một thời gian ở Úc và Mỹ, 2 tên gặp lại nhau và thảo luận về khả năng cướp số vàng thường được vận chuyển từ London đến Paris.

Pierce rất hào hứng với kế hoạch này, y nghĩ rằng mình có thể có được chiếc chìa khóa tủ sắt đựng vàng, nhất là khi nhận được sự hỗ trợ của một nhân viên bảo vệ khác tên là James Burgess.

Để thực hiện kế hoạch, Pierce và Agar tới Folkestone thăm dò các điểm trả hành lý, quan sát nhân viên khuân vác. Sau đó họ chia tay nhau, Pierce trở về London còn Agar ở lại tìm ra nơi cất giữ chìa khóa tủ.

Bước tiếp theo, Agar gửi một hộp vàng trị giá 200 bảng Anh trên chuyến tàu đến Folkestone. Kết thúc chuyến đi, nhân viên đường sắt đã dùng chìa khóa mở tủ sắt trả lại vàng cho Agar sau đó đi vào phòng dành cho nhân viên. Lúc này, Pierce tận dụng sự vắng mặt của nhân viên đó, nhanh tay lấy chìa khóa anh này bỏ lại trong phòng và giao cho Agar phác thảo nhanh rồi trả lại chỗ cũ.

Mọi thứ đã sẵn sàng, ngày 15/5/1855, Agar và Pierce ăn mặc như các quý ông, mua vé hạng nhất cho chuyến tàu đi Folkestone. Những bao đựng chì được Burgess hỗ trợ đưa lên tàu.

Ngay khi con tàu bắt đầu di chuyển, Agar mở két bằng chiếc chìa khóa được sao chép và tráo vàng rồi niêm phong lại như cũ. Khi tàu đến Folkestone cũng là lúc 3 hòm vàng đã “không cánh mà bay”.

Trong những tuần sau đó, Agar và Pierce nấu chảy vàng và mang đi bán. Burgess nhận được 700 bảng Anh tiền công. Khi Agar bị bắt, Pierce đã chôn một số lượng vàng trước cửa nhà.

Sau khi Agar tự thú, cảnh sát ngay lập tức đã tiến hành bắt giữ William Pierce, James Burgess tại London vào tháng 10/1856, kết thúc vụ tráo vàng “có một không hai” trong lịch sử đường sắt thế giới.

Vụ cướp liều lĩnh nhất lịch sử ngành đường sắt Anh

Một vụ trộm cướp khác cũng gây chấn động nước Anh. Vào đêm thứ 5 ngày 8/8/1963, một đoàn tàu bắt đầu lăn bánh từ Glasgow tới London, Anh. Ngoài bưu kiện thông thường, đoàn tàu này còn chở một lượng tiền mặt nhất định, thường là 300.000 bảng Anh nhưng vì hôm sau là ngày Bank Holiday (ngày nghỉ dành cho các ngân hàng ở Anh) nên lượng tiền trên tàu nhiều hơn hẳn ngày thường với 2,3 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 30 triệu bảng Anh ngày nay).

Khi đi qua địa phận Leighton Buzzard vào khoảng 3 giờ sáng, lái tàu Jack Mills bỗng nhìn thấy một tín hiệu màu đỏ gần khúc cua có tên Sears Crossing. Có nằm mơ Mills cũng không nghĩ rằng đó thực chất là tín hiệu giả do một toán cướp tạo ra. Vài phút sau, đoàn tàu chở bưu kiện dần đi chậm và dừng lại.

Phụ tàu David Whitby bước xuống và tiến đến hộp điện thoại khẩn cấp phía trước. Tại đây, anh phát hiện điện thoại không hoạt động, đường dây đã bị cắt. Khi quay lại tàu, những bóng đen từ đâu xuất hiện và đẩy anh xuống dốc kè đường sắt.

Trong khi đó, một người đàn ông bịt mặt leo lên buồng lái và nhanh chóng hạ gục người lái tàu khiến anh này bất tỉnh còn nhóm khác thì đang tiến hành tháo móc nối từ toa thứ ba, chỉ để lại hai toa có chứa số tiền lớn gắn vào đầu tàu.

Mọi việc xong xuôi, một trong những tên cướp nhảy vào ghế lái. Trước đó, tên này đã dành nhiều thời gian kết bạn với các nhân viên đường sắt khi giả vờ là một người đam mê xe lửa nhằm mục đích học được cách lái tàu.

Hắn di chuyển đoàn tàu đi thêm 1 dặm về phía cầu Bridego. Vụ cướp diễn ra hết sức nhanh lẹ và âm thầm. Nhân viên trong 2 toa tàu chở tiền đã bị nhóm cướp khống chế. Chỉ trong vòng vài phút, họ bị trói, bịt miệng và bắt nằm úp mặt xuống sàn. Trong khi đó, những người trên 10 toa bị bỏ lại Sears Crossing thậm chí còn không nhận thấy điều gì bất thường.

Tại cầu Bridego, toán cướp phải sử dụng tới 120 bao tải để đựng toàn bộ số tiền trên khoang và chuyển chúng ra những chiếc Land Rovers đã đợi sẵn. Toàn bộ vụ cướp chỉ mất vỏn vẹn 40 phút.

Khi rời khỏi, chúng ra lệnh cho các nhân viên Bưu điện đứng yên trong 30 phút trước khi báo cảnh sát. Điều này về sau là một manh mối quan trọng giúp các nhà điều tra nghi ngờ rằng nơi ẩn náu của băng đảng khá gần đây với chỉ khoảng 30 phút lái xe.

Và quả nhiên như vậy, toán cướp hân hoan quay về nông trại Leatherslade đã thuê trước đó ở Oakley Buckinghamshire, cách hiện trường vụ án 43 km và cùng nhau tận hưởng thành quả vừa thu được. Khi nhìn thấy các cọc tiền trị giá hơn 2 triệu bảng Anh trong những chiếc bao xếp chật phòng khách, nhóm cướp vô cùng hân hoan.

Vụ cướp tàu đã gây ra cơn chấn động ở nước Anh thời điểm bấy giờ. Một cuộc điều tra quy mô ngay lập tức được tiến hành, có sự tham gia của Đội cảnh sát cơ động Scotland và các thám tử giỏi nhất trong lực lượng Cảnh sát Buckinghamshire do thám tử Tommy Butler – một huyền thoại của Sở Cảnh sát London - dẫn đầu.

Qua những thông tin trên đài truyền thanh, chúng biết rằng vụ cướp đã xuất hiện trên trang nhất của tất cả các tờ báo và cảnh sát hiện đang tăng cường gấp đôi lực lượng ráo riết tìm kiếm.

Trước tình hình cấp bách, nhóm cướp tỏ ra lo sợ và hiểu rằng mình phải rời khỏi đây càng sớm càng tốt chứ không có nhiều thời gian để dọn dẹp nông trại, phi tang bằng chứng và chờ vài tuần cho mọi việc lắng xuống rồi mới tẩu thoát theo kế hoạch ban đầu.

Vài ngày sau, một người dân sống gần trang trại đã báo với cảnh sát khi thấy một chiếc xe khả nghi đỗ trong nông trại. Tại đây, cảnh sát xác nhận đây đúng là nơi trú ẩn của băng cướp khi tìm thấy một lượng lớn thực phẩm đang dùng dở, túi ngủ bị bỏ lại trên gác và trong hầm rượu, những tờ giấy bọc tiền có dấu của ngân hàng cùng nhiều bao tải…

Kết quả phân tích mẫu vân tay trên các chai nước sốt, bia và vài quân bài bị bỏ lại đã giúp cảnh sát lần ra được băng cướp. Roger Cordrey - thành viên đầu tiên bị bắt rất nhanh chóng vì cảnh sát vốn đã nghi ngờ bởi hắn vốn là một tên tội phạm tàu hỏa chuyên nghiệp. Sau đó, lần lượt Bruce Reynolds, Ronald Biggs, Charlie Wilson, Tommy Wisbey, Jim Hussey, Bob Welch… bị đưa vào nhà tù Bedford chờ xét xử.

Sau thời gian truy lùng, cảnh sát đã bắt 15 tên. Toàn bộ băng đảng bị kết án tổng cộng 307 năm tù.

Vụ cướp tàu hỏa năm 1963 ở Anh đã được lên kế hoạch và thực hiện một cách xuất sắc, không một tiếng súng nổ, không có đổ máu. Nếu không vì một chút bất cẩn khi để lại dấu vân tay thì biết đâu vụ cướp tàu hỏa lớn nhất lịch sử nước Anh này đã chìm vào dĩ vãng.

Tin cùng chuyên mục

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Đọc thêm

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu
(PLVN) - Trong quá trình trông giữ, quản lý các cháu, bà T.T.B đã có những hành vi như dùng tay đánh đập vào miệng, vào mặt, giật tóc; dùng thìa inox, chiếc điều khiển của tivi đập vào miệng các cháu bé nhằm mục đích ép các cháu ăn, uống.