Chuyện loài Voọc chà vá chân nâu
Hiện tại Đà Nẵng, nơi có bán đảo Sơn Trà là nơi sinh sống của các hệ động, thực vật và đặc biệt là nơi cư trú của loài linh trưởng Voọc chà vá chân nâu nằm trong sách Đỏ của Việt Nam. Hiện tại đã có nhiều tổ chức quốc tế và Việt Nam đến nghiên cứu và bảo tồn môi trường sống của loài linh trưởng trên, bên cạnh đó còn có sự chung tay của các bạn nhiếp ảnh địa phương trong việc tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã nói trên, và đó cũng là lý do voọc chà vá chân nâu được chọn làm biểu tượng cho APEC 2017 được tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Phạm Văn Phùng sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Anh là giáo viên dạy yoga tại trung tâm Cali Fitness & Yoga, và cũng là một nhiếp ảnh ko chuyên. Anh cho biết bản thân đến với nhiếp ảnh sau chuyến đi dạo quanh núi Sơn Trà, được thấy nhiều cảnh đẹp và nhiều loài động vật hoang dã ở nơi này, bao gồm cả loài Voọc chà vá chân nâu – một loài động vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Sau khi có chiếc máy ảnh, anh Phùng không ngại mưa nắng đi lên núi Sơn Trà để chụp hình, có những ngày anh phải lên núi xuống núi đến 2-3 lần trong ngày. Đối với anh, Sơn Trà thì có rất nhiều cái để đáng nhớ, như mùa hoa tím hoa vàng hay mùa lá đều in đậm dấu ấn trong anh. Những điều này truyền cảm hứng cho anh phải ghi lại những khoảnh khắc đáng giá về hệ sinh thái này. Đáng nói, tác phẩm “Voọc chà vá chân nâu bán đảo Sơn Trà” của anh đã đạt giải Nhất Cuộc thi Ảnh “Đa dạng sinh học Việt Nam năm 2020” do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức.
Dù là nhiếp ảnh không chuyên, anh Phùng cho biết mong muốn thông qua nhiếp ảnh truyền tải thông điệp đến mọi người dân mọi hiểu và ý thức hơn để bảo về tất cả loài động vật hoang dã. Chủ đề thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng vô hạn với Phùng. Do đó, anh đặt mục tiêu gần nhất là phải chụp xong bộ Nấm Sơn Trà và hệ sinh thái biển trong đó các loài san hô quanh bán đảo Sơn Trà. Chụp những bức ảnh này có thể chỉ là một nghĩa cử nhỏ trong đánh giá của nhiều người, nhưng những hành động nhỏ này đóng góp một phần không nhỏ trong việc trực quan hoá, phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân hiểu biết hơn và trân trọng hơn về hệ sinh thái ở bán đảo Sơn Trà.
Tác phẩm “Giao mùa”. Ảnh: Nguyễn Sanh Quốc Huy |
Khúc giao mùa của thiên nhiên
Nguyễn Sanh Quốc Huy cũng là một nhiếp ảnh gia không chuyên đến từ thành phố đáng sống Đà Nẵng. Anh cho biết cơ duyên đến với nhiếp ảnh là để tìm sự cân bằng trong cuộc sống. Anh là tác giả có tác phẩm đoạt giải Ba Cuộc thi Ảnh “Đa dạng sinh học Việt Nam năm 2020”, đó là tác phẩm “Giao mùa”. Quốc Huy chia sẻ bản thân anh thích nhiếp ảnh từ nhỏ, mỗi khi được cầm cái máy ảnh anh đều mong muốn ghi nhận lại nhiều cảnh đẹp trong cuộc sống. Do đó, khi có điều kiện anh đã sắm ngay một chiếc máy ảnh để có thể thỏa mãn đam mê này. Anh thường tranh thủ hai ngày cuối tuần để đi “săn” đề tài cho các bức hình của mình.
Về tác phẩm “Giao mùa”, Quốc Huy cho biết: “Đây là tác phẩm được chụp tại rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá quý hiếm trong hệ đầm phá Tam Giang, thuộc địa phận làng Thuận Hòa (xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Với diện tích khoảng 5 héc-ta, những cây chá được trồng ở đây chiếm diện tích khoảng 90% và toàn bộ Rú Chá là một khu rừng có chức năng ngăn mặn, bảo vệ đất liền. Vào thời điểm vào thu những cây chá sẽ khoác lên một màu vàng mới, đối lập với rừng chá là những cây đước, sú hay dừa được trồng cạnh rừng ngập mặn vẫn còn một màu xanh mướt. Để chụp tác phẩm trên tôi sử dụng thiết bị flycam để có thể quan sát từ trên cao để có thể ghi nhận được khoảnh khắc giao mùa của rừng nguyên sinh Rú Chá”.
Trong cảm nhận của Quốc Huy, khoảnh khắc của mùa thu là lúc chúng ta có thể “cảm” được những thay đổi sinh học của các loài cây cỏ trong hệ thực vật của rừng nguyên sinh ngập mặn Rú Chá. Hình ảnh rừng lá xanh mướt đối lập với màu vàng thường thấy của mùa thu nơi đây khiến anh rung động. Qua tác phẩm anh cũng mong muốn truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường tự nhiên, trong đó bao gồm cả hệ sinh thái rừng nguyên sinh ngập mặt trước các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Quốc Huy chia sẻ: “Con người luôn gần gũi với thiên nhiên và dựa vào thiên nhiên để sinh sống. Mọi giải pháp gắn liền với thiên nhiên là cũng để cải thiện lại môi trường sống của con người. Đơn cử, thực hiện việc khôi phục các hệ thống san hô và rừng ngập mặt của hệ sinh thái tự nhiên là để hạn chế sự tác động của nước biển dâng cao, chống xói mòn sạt lở đất đai, giữ mạch nước ngọt ngầm, đảm bảo cho môi trường sống của con người trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng tăng cao hiện nay”.
Hai tác giả Phạm Văn Phùng (trái) và Nguyễn Sanh Quốc Huy (phải) |
Bắt đầu từ hành động nhỏ nhất
Theo như thông điệp của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 là “Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”, các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đều đang tìm kiếm những phương pháp tiếp cận thay thế và phi truyền thống đối với các vấn đề môi trường (lũ lụt, khan hiếm nước, xói mòn đất…) bằng cách khai thác vốn tự nhiên, như cơ sở hạ tầng tự nhiên, xanh và tích hợp. Ví dụ, thay vì việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước để ngăn lũ, có thể áp dụng việc khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng.
Đáng nói, đây cũng là những giải pháp góp phần giải quyết các thách thức xã hội như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, sức khỏe con người, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, phát triển kinh tế…. cũng như góp phần tăng khả năng bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Điều này một lần nữa nhấn mạnh thông điệp “con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên”, theo Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992.
Tóm lại, qua những tác phẩm của mình, các nhiếp ảnh gia có thể góp phẩn thể hiện sự phong phú và đa dạng của tài nguyên sinh học Việt Nam trong cảnh quan thiên nhiên về các hệ sinh thái và các loài sinh vật…; hay phản ánh các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và môi trường của các cơ quan chức năng cùng các tổ chức, cá nhân. Có thể, với nhiều người, những chuyến đi của họ chỉ là “hạt muối bỏ biển”. Nhưng đằng sau đó là biết bao nỗi niềm và trăn trở của một công dân về thực trạng môi trường ở nước ta, mong muốn cống hiến một tiếng nói nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ hệ sinh thái, cũng chính là bảo vệ sự sống và giống nòi cho chúng ta.
Thiết nghĩ, điều quan trọng là sự tích cực trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên, tận dụng được công sức và mối quan tâm của cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh thái nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Những việc lớn như ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí nhà kính, phục hồi hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học… đều bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.