Giới chức liên bang Mỹ mới mở một cuộc điều tra đối với JPMorgan Chase về cáo buộc hãng dịch vụ tài chính này đã tuyển dụng con của các quan chức quyền lực ở Trung Quốc nhằm giúp họ giành được các hợp đồng béo bở tại nền kinh tế đang bùng nổ này.
Trụ sở JP Morgan tại Mỹ. |
Giới chức Mỹ nghi ngờ JPMorgan thường tuyển dụng những người trẻ tuổi xuất thân từ những gia đình có ảnh hưởng lớn và có thể giúp cho việc kinh doanh của họ tại Trung Quốc. Trong một trường hợp, ngân hàng này đã tuyển dụng Tang Xiaoning - con trai của ông Tang Shuangning – cựu phó chủ tịch Ngân hàng trung ương Trung Quốc và là Chủ tịch tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Everbright từ năm 2007 cho đến nay.
Sau khi tuyển dụng Tang Shuangning, JPMorgan Chase đã giành được hàng loạt các thương vụ béo bở từ Tập đoàn Everbright, trong đó có hợp đồng tư vấn chứng khoán cho một công ty con của Everbright.
Ngoài ra, cũng theo các tài liệu của đơn vị phòng chống hối lộ thuộc Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), văn phòng của JPMorgan ở Hong Kong cũng đã tuyển Zhang Xixi - con gái của một quan chức trong ngành đường sắt của Trung Quốc. Zhang Xixi đến JPMorgan vào thời điểm Tập đoàn đường sắt Trung Quốc – đơn vị chịu trách nhiệm về việc xây dựng các tuyến đường sắt trên cả nước – đang chuẩn bị chọn JPMorgan cho hợp đồng tư vấn tài chính cho công ty. Bố của Zhang sau đó đã bị giam giữ vì cáo buộc nhận hối lộ để phân phối các hợp đồng dự án của chính phủ.
Trong những năm gần đây, SEC và Bộ Tư pháp Mỹ đều đã từng bước thực thi Đạo luật phòng chống tham nhũng ở nước ngoài. Đây là một đạo luật liên bang, theo đó cấm các công ty của Mỹ đưa ra bất cứ thứ gì có giá trị cho một quan chức ở nước ngoài để giành được lợi thế trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia luật cho biết, bản thân việc tuyển dụng những người có quyền lực không phải là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, đây sẽ là hành vi phạm pháp nếu nhà chức trách xác định được rằng công ty đã tuyển dụng nhân sự với ý định tham nhũng, hoặc đưa ra đề nghị tuyển dụng để đổi lấy việc kinh doanh với chính phủ.
Cuộc điều tra đối với JPMorgan diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này đã bị ít nhất 8 cơ quan liên bang, một cơ quan cấp bang và 2 nước ngoài điều tra về những cáo buộc sai phạm. Việc hãng dịch vụ tài chính lâu đời này dính vào hàng loạt các vụ việc như vậy cũng đã khiến một số nhà làm luật đặt câu hỏi về việc liệu JPMorgan – hiện có hoạt động tại hơn 60 nước trên thế giới – đã phát triển đến mức quá lớn để có thể quản lý được.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)