Muốn “đấu ngang ngửa” với nước ngoài
Không nói chuyện khác, khi được hỏi về việc lập Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, Johnathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG) trăn trở, ông mừng khi thấy thị trường logistics ở Việt Nam vốn đã năng động và đang phát triển rất nhanh. Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) được ký ngày 30-6-2019, tạo ra những cơ hội lớn. Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay. Điều này giúp Việt Nam một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược trên chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn |
Điều này lý giải vì sao các “ông lớn” gia tăng đầu tư tại Việt Nam khi mặc dù đang chiếm 88% thị phần logistics Việt Nam, nhưng các “tay chơi” ngoại trong lĩnh vực chuyển phát nhanh như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo vẫn không ngừng đầu tư thêm. Họ là những “tay chơi” nặng ký mà doanh nghiệp Việt Nam không thể địch nổi. Điều làm ông Hạnh Nguyễn suy nghĩ là “thị phần” của hàng không trong nước chỉ chiếm khoảng 12%, còn lại thuộc về hãng hàng không nước ngoài. Việc đầu tư mạnh tay của các “ông lớn” khiến thị phần của những doanh nghiệp logistics trong nước ngày càng teo tóp.
Trao đổi với báo giới, đại diện Công ty Cổ phần IPP Air Cargo xác nhận, dự kiến trong ngày khai mạc Diễn đàn Phát triển đường bay Châu Á (Routes Asia) tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 6-6-2022, chiếc máy bay đầu tiên của IPP Air Cargo sẽ hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Giới chuyên môn cho rằng, công nghệ logistics của Việt Nam đi chậm hơn so với thế giới nhiều năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa luôn cao hơn so với thế giới đã làm giảm sức cạnh tranh. Rất dễ nhận diện, kho hàng, bến bãi, giao thông kết nối, thủ tục hành chính, công nghệ thông tin, nhân sự được đào tạo chuyên môn trong ngành… thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hóa.
Thực trạng này chính là lý do lớn nhất thôi thúc Tập đoàn IPPG của ông quyết định thông qua đề xuất đầu tư dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo. Ông tự tin IPP Air Cargo sẽ nhanh chóng chiếm tới 38% thị phần. Với số vốn đầu tư 100 triệu USD, theo tính toán năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD trong năm đầu. IPP Air Cargo dự kiến có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Ảnh minh họa |
Ước mơ vì tương lai tươi sáng của đất nước
Hiện nay Việt Nam chưa có hãng hàng không hàng hóa chuyên biệt được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Thực tế, hàng hóa vận chuyển đường hàng không chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trọng lượng hàng vận chuyển quốc tế (chưa đến 0,5%), nhưng lại chiếm khoảng 30% giá trị xuất nhập khẩu cả nước.
Động thái của IPPG cho thấy tham vọng giành lại “sân chơi” Air Cargo. Điều đặc biệt ấn tượng là ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định Hãng IPP Air Cargo không cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics Việt Nam, không lấn sân cạnh tranh với 5 hãng hàng không trong nước; IPP Air Cargo sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán giá cước vận chuyển đang tăng cao trong bối cảnh dịch covid khó khăn như hiện nay, hỗ trợ một cách nhanh nhất hàng hóa xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam đến các nơi trên thế giới.
Tiếp xúc với Johnathan Hạnh Nguyễn, dễ nhận ra ông có một khát vọng và nguồn năng lượng rất lớn. Kế hoạch của IPPG là đầu tư tạo một chuỗi cung ứng quản lý, vận chuyển hàng hóa chuyển phát nhanh một cách chuyên nghiệp. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng tiết lộ, đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực hơn 1 năm qua, cùng với việc thành lập hãng hàng không IPP AirCargo, để kép kín chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế, ông và cộng sự đã thành lập Công ty Bellazio Logistics bao gồm các cổ đông chiến lược logistics hàng đầu Việt Nam.
Công ty Bellazio Logistics sẽ đầu tư đồng bộ các chức năng như: Hệ thống kho bãi, kho ngoại quan, khu thương mại, trưng bày, các nhà máy sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ hàng không, và thương mại điện tử quốc tế tại tất cả các tỉnh thành. Đặc biệt Công ty Bellazio Logistics sẽ đầu tư xây dựng chuỗi liên hoàn kho trung tâm logistics tại các tỉnh thành lớn của Việt Nam được trang bị giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để hoạt động chuyên ngành… Đó là chiến lược dài hơi, rõ ràng thể hiện năng lực và quyết tâm lớn!
Bà Lê Hồng Thủy Tiên đại diện IPPG ký kết với đối tác nước ngoài. |
Để đảm bảo hoạt động quản lý hàng hóa quốc tế và nội địa được kiểm soát chặt chẽ và nhanh chóng, doanh nghiệp đã tài trợ Tổng cục Hải Quan kinh phí thuê tư vấn xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa với công nghệ tiên tiến để quản lý và giúp cho việc kiểm tra hàng hóa được chính xác, giảm thiểu thời gian thực hiện đáp ứng được tiêu chuẩn chuyển phát nhanh tương tự như các nước tiên tiến trên thế giới. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành trong quý I/2022 để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua đã “tấn công” toàn diện vào các ngành kinh tế, trong đó có hàng không thế giới và làm thay đổi “cấu trúc” ngành logistics toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những năng lượng mới, logistics số sẽ hình thành. Những năng lượng như “năng lượng tích cực” Johnathan Hạnh Nguyễn cần được “giải phóng”. Ước mơ của ông cũng chính là ước mơ cùng các hãng vận tải hàng không mong muốn cấu trúc lại thị phần logistics, ước mơ “làm chủ” bầu trời, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
“IPPG trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải và các Ban ngành liên quan về đề xuất thành lập IPP AirCargo. Chúng tôi đang phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam hoàn tất các thủ tục thẩm định để cấp phép bay. Tại chuyến công tác của Chủ tịch nước tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2021, chúng tôi đã ký kết thỏa thuận mua 10 chiếc máy bay Boeing 777F và đã tiết kiệm được hàng triệu USD do đặt hàng vào đúng thời điểm phù hợp”, ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.