Theo Reuters, cuộc duyệt binh không được truyền hình trực tiếp nhưng từ ngày 9/12, một số đội máy bay trực thăng của Iraq mang cờ của nước này đã tiến hành diễn tập cho cuộc duyệt binh chiến thắng ở Baghdad. Trong ngày 10/12, những máy bay chiến đấu này cũng đã được nhìn thấy trên bầu trời thủ đô của Iraq.
Cuộc diễu binh nói trên được tiến hành sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 9/12 đã tuyên bố chiến thắng cuối cùng trước IS. “Quân đội của chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn biên giới Iraq-Syria, do đó, tôi tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống lại IS”, ông Abadi tuyên bố. Chiến thắng diễn ra 3 năm sau khi IS chiếm được đến 1/3 lãnh thổ Iraq.
Cùng với tuyên bố chiến thắng, Thủ tướng Abadi cũng thông báo đặt ngày 10/12 là ngày quốc lễ hàng năm của Iraq. Ngoài ra, cũng trong bài phát biểu được đưa ra tại Bộ Quốc phòng Iraq, ông Abadi nói rằng trận chiến tiếp theo của Iraq sẽ là đánh bại nạn tham nhũng. Tuyên bố của Thủ tướng Iraq được đưa ra 2 ngày sau khi quân đội Nga tuyên bố đánh bại IS ở Syria. Hồi tháng trước, Iran cũng đã tuyên bố chiến thắng trước IS.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh việc quân đội Iraq đẩy lùi được sự chiếm đóng của IS nhưng cảnh báo cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. “Mỹ và Chính phủ Iraq nhấn mạnh rằng việc giải phóng Iraq không đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cả chống lại IS ở Iraq đã chấm dứt”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói. Một chuyên gia về các nhóm cực đoan tên Hisham al-Hashemi cũng cảnh báo IS vẫn là một mối đe dọa vì chúng vẫn giữ các kho vũ khí ở những vùng sa mạc không người.
Ông Karim Bitar, một chuyên gia ở Viện Chiến lược và Quốc tế của Pháp, cũng cho rằng giới chức Iraq tới đây sẽ phải đối mặt nhiều thách thức, từ củng cố quyền lực của chính quyền trung ương nhưng vẫn đảm bảo không đẩy bất cứ cộng đồng nào ra khỏi vòng quay phát triển, tới giải quyết các vấn đề tái thiết, kinh tế, xã hội, đảm bảo phân chia đều thu nhập từ dầu mỏ. Một cuộc họp của các nhà tài trợ cho Iraq dự kiến sẽ được tổ chức tại Kuwait vào tháng 2 tới và ước tính chi phí cho việc tái thiết nước này lên đến 100 tỉ USD.
Trong một diễn biến có liên quan, AFP ngày 10/12 dẫn các nguồn tin cho biết, các chiến binh người Pháp và Algeria, trong đó có một số người từ Syria đã gia nhập hàng ngũ IS ở Afghanistan – khu vực nhóm cực đoan này đang xây dựng các căn cứ mới.
Thông tin này được đưa ra sau khi các nhà phân tích cho rằng những chiến binh người nước ngoài có thể sẽ tìm tới các nước có chiến tranh sau khi bị đẩy lùi khỏi Syria và Iraq. Đây cũng là một dấu hiệu rắc rối với Pháp trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng tấn công lấy cảm hứng từ IS cũng như tìm cách để ngăn cản hàng trăm công dân tới chiến đấu dưới hàng ngũ của nhóm này ở khu vực Trung Đông.