Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của người đứng đầu Interpol Ronald Noble cho rằng vụ sát hại dã man nhà báo James Foley do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện đã cho thấy sự suy đồi của tổ chức này trong bối cảnh chúng đẩy mạnh chiến dịch khủng bố trên khắp Syria và Iraq. Để dẫn chứng cho lời nói của mình, ông Noble kêu gọi thế giới nhớ lại những người vô tội khác đang bị “những kẻ khủng bố khát máu không biết đến từ bi hay xót thương” giam giữ.
Đề cập đến việc kẻ đã thực hiện vụ hành quyết dã man có vẻ là người Anh, ông Noble đã thúc giục các nước trên thế giới đồng loạt hành động, chống lại mối đe dọa khủng bố từ những phần tử Thánh chiến đã bị cực đoan hóa xuyên quốc gia và tới các khu vực xung đột ở Trung Đông để tham gia vào các cuộc tấn công đẫm máu.
Vụ các phần tử cực đoan của nhóm IS giết chết nhà báo tự do Foley, 40 tuổi, và đăng tải video vụ giết người lên internet đã dấy lên phản ứng giận dữ khắp thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án vụ việc và gọi đây là “hành động bạo lực gây chấn động lương tâm của toàn thế giới”. Ông so sánh IS với căn bệnh ung thư và nói tổ chức này đang theo đuổi một lý tưởng suy đồi.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu cũng đã chỉ trích vụ giết người này. Trong đó, Pháp cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với tình hình quốc tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 2001. Thủ tướng Anh David Cameron đã cắt ngắn kỳ nghỉ của mình để trở về London và triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn về cách thức đối phó với IS trong bối cảnh thủ phạm trong vụ việc chấn động nói giọng Anh.
Trong một bước chuyển quan trọng so với chính sách bình thường của mình, Đức tuyên bố sẵn sàng gửi vũ khí để hỗ trợ cộng đồng người Kurd ở Iraq để giúp họ chiến đấu chống lại IS. Còn Pháp cam kết sẽ tổ chức một hội thảo về an ninh khu vực cũng như cuộc chiến chống lại những phần tử nổi dậy cực đoan tại Trung Đông. Nhóm vận động nhân quyền Ân xá quốc tế trong khi đó cho biết vụ giết chết nhà báo người Mỹ là một tội ác chiến tranh.
Liên quan đến vụ giết người gây chấn động này, theo BBC, Lầu Năm Góc trong một thông cáo ngày 20/8 tiết lộ đã triển khai một chiến dịch bí mật “với sự phối hợp của các lực lượng trên không cũng như trên bộ và tập trung vào một cơ sở giam giữ con tin bên trong IS” nhằm giải cứu các con tin nước này tại Syria nhưng không thành. Một số quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, nạn nhân Foley cũng nằm trong số các con tin mà quân đội nước này định giải cứu nhưng không thành công.
Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn thông tin từ đại diện của gia đình ông Foley và một con tin từng bị giam giữ chung với ông này cho biết, trong thời gian trước khi nạn nhân bị sát hại, IS đã nhiều lần yêu cầu Mỹ nộp hàng triệu USD tiền chuộc để phóng thích ông này. Song, theo các nguồn tin này, trong khi một số nước châu Âu đã chi hàng triệu USD cho nhóm khủng bố này để cứu mạng các công dân của họ thì Mỹ đã từ chối trả tiền./.