Trong khi Internet Dial-up coi như đã tắt lụi, Wimax chưa đi vào đời sống, thì Mobile Internet (MI=Internet di động), đã có sự lột xác toàn diện khi 3G đã chính thức được cung cấp tại VN từ ngày 12.10.2009, với sự tiên phong của VinaPhone.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng phát triển thị trường của VDC2- cho rằng, MI 3G ra đời sẽ thêm tiện ích để người tiêu dùng lựa chọn. Việc cạnh tranh từ MI 3G đối với ADSL không có gì đáng lo ngại, vì mỗi dịch vụ có thế mạnh riêng. Còn theo ông Đinh Việt Hưng, để triển khai dịch vụ MI nhà mạng vẫn phải thuê đường truyền của các nhà cung cấp như VDC, Viettel, EVN..., vì thế nếu có cạnh tranh cũng chưa thể quyết liệt.
"Thượng đế" đã hài lòng về chất lượng
MI 3G đã đẩy chất lượng
lên cao hơn nhiều so với trước.
MI đã chính thức ra đời tại VN hơn ba năm qua với dịch vụ của S-Fone. MI của S-Fone, kết nối trên nền công nghệ CDMA 2000 1x có tốc độ tối đa khoảng 140Kbps, trong đó tại 13 tỉnh thành dịch vụ này được cung cấp trên nền công nghệ CDMA 2000 1x EVDO có tốc độ tối đa lên đến 2,4Mbps. Một thời gian dài, với tốc độ này dịch vụ MI của S-Fone được xem là ưu việt nhất trên thị trường.
Khi đó dịch vụ MI của MobiFone, Viettel, VinaPhone và Vietnamobile dựa trên công nghệ EDGE có tốc độ tối đa chỉ hơn 200Kbps. Nhưng trên thực tế, tốc độ MI của một số mạng GSM cao nhất chỉ đạt vài ba chục Kbps, khiến người tiêu dùng không mặn mòi.
Sau khi 3G ra đời đã khác. Dịch vụ MI 3G có tốc độ tối đa lên đến 7,2Mbps. Sử dụng qua MI 3G của VinaPhone, MobiFone và Viettel, tốc độ thực tế đạt được từ 1Mbps trở xuống chí ít cũng vài trăm Kbps, ngang ngửa với tốc độ thực tế của dịch vụ ADSL của các gói cước cho nhóm văn phòng (1 triệu đồng trở lên/tháng). Vì dùng MI bằng USB chỉ có thể sử dụng trên mỗi máy tính trong mỗi thời điểm chứ không thể chia sẻ ra nhiều máy như ADSL, cho nên tốc độ còn nhanh hơn.
Có thể nói đây là một sự lột xác về chất lượng so với MI 2G vẫn đang tồn tại. Song cần nhấn mạnh rằng, hài lòng về chất lượng nhưng khách hàng còn băn khoăn về các gói cước chưa thực sự phong phú và đa dạng. Nếu thuê bao trọn gói hàng tháng gói cước tốc độ tối đa thì mức cước vẫn còn khá cao, 300.000 đồng/tháng.
Để trở thành một thế lực...
Với MI 2G thì không, nhưng MI 3G ra đời với chất lượng đáp ứng sự mong mỏi của người tiêu dùng cho thấy dịch vụ này hoàn toàn có thể trở thành một thế lực mới trên thị trường dịch vụ Internet. MI có thế mạnh là mọi lúc mọi nơi với tầm phủ sóng rộng và tính cơ động, nhưng cũng có nhược điểm là không thể chia sẻ cho nhiều máy dùng trong một lúc.
Xét về mức cước trọn gói, MI 3G cao hơn ADSL (gói cho gia đình) từ 25.000 đồng - 45.000 đồng, nhưng MI 3G thậm chí có tốc độ vượt trội hơn. Chỉ có một băn khoăn: Nhiều người tiêu dùng ở công sở, văn phòng thì dùng ADSL, về nhà cũng có thể đã có ADSL, vào quán có Wifi, hoặc dùng Wifi "chùa" của các khách sạn, nhà hàng, Cty...
Thế thì nếu mua thêm dịch vụ MI 3G với gói cước trọn gói hằng tháng sẽ tăng thêm chí phí, dẫn đến lãng phí. Điều người tiêu dùng cần là các gói cước linh hoạt hơn, được chia nhỏ đến ngày, thậm chí đến giờ hay phút. Ông Đinh Việt Hưng - Trưởng phòng giá cước - tiếp thị của MobiFone cho biết: "Hướng sắp tới của MobiFone là cho ra đời các gói cước sử dụng 1 giờ hoặc 30 phút để thuận tiện cho khách hàng lựa chọn".
Để trở thành một thế lực thực sự, dịch vụ MI 3G cần thêm sự năng động trong phương thức bán hàng nhằm đáp ứng sát sao hơn nhu cầu người tiêu dùng. Điều này có lẽ các nhà mạng đã thấy nhưng vì 3G mới ra đời, còn cần thêm thời gian triển khai các gói cước mới.
Theo Lao Động