Indonesia: Phạt đào mộ nếu không đeo khẩu trang

Hình ảnh thợ đào mộ tại Đông Jakarta, Indonesia.
Hình ảnh thợ đào mộ tại Đông Jakarta, Indonesia.
(PLVN) - Nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan và bùng phát mạnh mẽ, Indonesia đã cho áp dụng hình phạt bắt đi đào mộ ở nghĩa trang đối với các trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang. 

Phải đi đào mộ nếu không đeo khẩu trang

Tờ Jakarta Post cho hay, người đứng đầu một quận ở tỉnh Đông Java của Indonesia đã phạt 8 người đi đào mộ tại một nghĩa trang công cộng cho các bệnh nhân không may qua đời do mắc Covid-19. Đây là hình phạt mà 8 người phải nhận sau khi không chấp hành quy định đeo khẩu trang phòng dịch.

Giới chức địa phương nhấn mạnh, biện pháp này nhằm ngăn chặn có thêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19, trong bối cảnh số ca mới mắc Covid-19 ở thủ đô Jakarta đang gia tăng.

“Hiện chúng tôi chỉ có 3 người đào mộ, nên tôi nghĩ có lẽ nên để người vi phạm làm việc cùng các nhân viên này. Hy vọng biện pháp răn đe hiệu quả những trường hợp vi phạm khác”, chính trị gia Suyono trả lời truyền thông địa phương. Tuy nhiên ông Suyono cũng cho biết, mỗi mộ sẽ do hai người phụ trách. Một người đào mộ và người còn lại đặt các tấm ván gỗ xuống dưới hố để đặt quan tài.

8 người vi phạm quy định đeo khẩu trang chỉ tới nghĩa trang đào mộ chứ không tham gia công đoạn chôn cất các nạn nhân mắc Covid-19 bị tử vong, việc này sẽ do những nhân viên y tế địa phương mặc đồ bảo hộ toàn thân thực hiện.

Theo ông Nadi bin Eji, một người làm việc tại nghĩa trang chôn cất người nhiễm Covid-19 ở Jakarta, cho biết khoảng 2.600 người đã được chôn tại 8 khu đất mới kể từ khi đại dịch bùng phát. “Tuần trước, chúng tôi đã hỏa táng 201 người nhiễm Covid-19”, nghĩa trang Pondok Ranggon nói với tờ ABC. 

Ông Nadi cũng nói rằng, trong tuần qua anh đã tham gia thực hiện hỏa táng từ 7h sáng tới gần nửa đêm mỗi ngày. Anh cảm thấy lo ngại vì hàng xóm sẽ nghĩ rằng anh có thể là nguồn lây nhiễm Covid-19 cho cộng đồng.

Đồng tình với hình phạt này, Nur Amin, một quan chức cảnh sát Indonesia, thông báo lực lượng này sẽ phối hợp với quân đội để thực thi các quy định y tế toàn quốc, bao gồm giải tán tụ tập đông người. “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng đeo khẩu trang theo đúng quy định y tế về Covid-19”, ông nói.

Áp dụng nhiều biện pháp độc đáo

Theo số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins, Indonesia hiện có tổng cộng 221.523 ca mắc Covid-19 và 8.841 người đã tử vong, nhưng con số thực sự có thể cao hơn nhiều do tình trạng thiếu trang thiết bị y tế để xét nghiệm người bệnh. Riêng với thủ đô Jakarta đang có số ca nhiễm cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với 54.220 ca nhiễm trong khi Đông Java có 38.088 ca. 

Indonesia quyết định tái áp đặt các quy định hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch Covid-19 ở thủ đô Jakarta, sau khi số ca mới mắc bệnh liên tiếp tăng. Để nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chính quyền ở thủ đô Jakarta đã cho áp dụng nhiều biện pháp độc đáo mà gần nhất là tổ chức diễu hành cùng quan tài rỗng trên các con phố vào đầu tháng 9.

Cụ thể, hôm 1/9, các quan chức mặc đồ bảo hộ diễu hành cùng quan tài rỗng qua nhiều tuyến phố ở Jakarta để nhắc nhở người dân về mối đe dọa Covid-19. Đoàn xe tải chở nhiều quan tài rỗng cùng nhóm người khiêng đi qua các khu phố đông đúc ở thủ đô Indonesia. Thậm chí, một số người còn giả dạng giống như những con ma mà người dân địa phương gọi là pocong.

“Chúng tôi hy vọng cuộc diễu hành quan tài sẽ nhắc nhở mọi người ý thức hơn về nguy cơ nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn sức khỏe. Họ có thể hình dung ra mọi chuyện sẽ thế nào nếu chết vì Covid-19”, ông Mundari, người đứng đầu quận Cilandak, phía nam thủ đô Jakarta nói.

Thậm chí vào tuần trước, cảnh sát Indonesia đã buộc những người không chịu đeo khẩu trang ngồi trên xe chở quan tài người tử vong vì Covid-19. Trên xe, người vi phạm được yêu cầu tự kiểm điểm bản thân. Sau đó, cảnh sát nhắc nhở họ rằng đại dịch Covid-19 đã tước đi sinh mạng của rất nhiều người. 

Tính đến ngày 7/9, khoảng 50 người bán hàng và khách mua đồ tại chợ Maron đã lần lượt ngồi trên xe chở quan tài trong vài phút vì không đeo khẩu trang. Ngoài ra, một số hình phạt khác cũng đã được áp dụng. “Chúng tôi yêu cầu các cửa hàng đóng cửa trong vòng 1 tuần, thu chứng minh thư người vi phạm trong 3 tháng, và yêu cầu họ dọn sạch sẽ khu chợ”, một chuyên viên tại cơ quan hành pháp nói.

Trước đó, vào tháng 8, chính quyền quận Mampang Prapatan thuộc thủ đô Jakarta cũng cho áp dụng biện pháp khiến không ít người cảm thấy sốc. Đó là là đặt quan tài rỗng ngay tại một ngã ba người qua lại để nhắc nhở người dân về mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19.

Theo Reuters, dòng chữ “nạn nhân Covid-19” được sơn màu đỏ ngay trên chiếc quan tài màu trắng. Trong khi đó, một mannequin mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng, đeo khẩu trang cùng kính chắn giọt bắn trông giống như các y bác sĩ làm việc tại bệnh viện, được đặt đứng cạnh chiếc quan tài. Trên chiếc quan tài sơn màu trắng còn hiển thị thông tin cập nhật mới nhất về số ca mới mắc Covid-19 và tử vong vì dịch bệnh trong quận.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.