Theo Reuters, tính đến ngày 9/10, con số nạn nhân chính thức được xác nhận đã tử vong trong trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần hôm 28/9 đã lên đến 2.010 người, hầu hết ở thành phố Palu. Ngoài ra, còn khoảng 5.000 người khác có thể đã tử nạn nhưng thi thể vẫn chưa được tìm thấy. Dự kiến, các chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân này sẽ dừng lại vào ngày 11/10 tới.
“Phản ứng khẩn cấp sẽ chỉ có hiệu lực trong 14 ngày và quyết định có tiếp tục cuộc tìm kiếm hay không sẽ phụ thuộc vào chính quyền địa phương”, một quan chức của Cơ quan giảm thiểu thiệt hại thiên tai Indonesia cho hay.
Sau khi việc tìm kiếm chính thức kết thúc, các đống đổ nát sẽ được dọn dẹp và các khu vực này sẽ được giải phóng để xây dựng các công trình công cộng. Trước hạn chót 11/10, ngày 9/10, hơn 10.000 nhân viên cứu hộ đã được điều động để tìm kiếm ở các bãi đổ nát, đặc biệt là tại 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai hòng tìm kiếm được thêm các nạn nhân. “Chúng tôi không biết quyết định sau hạn chót sẽ ra sao nên đang tìm cách làm việc nhanh nhất có thể”, một nhân viên cứu hộ tên Ahmad Amin cho hay.
Trong khi đó, các nhân viên y tế tại Indonesia cũng đang phải chật vật chăm sóc cho hàng chục nghìn người đã lâm vào cảnh mất nhà cửa sau thảm họa. Theo thống kê, hơn 10.000 người cũng đã bị thương trong thiên tai. Khoảng 70.000 người đã lâm vào cảnh mất nhà cửa, với nhiều người trong số này đang phải sống trong những túp lều tạm bợ được dựng từ gỗ và nhựa ở Palu và những ngọn đồi quanh đó. Hầu hết những túp lều như vậy đều không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh. “Bây giờ, chúng tôi đã có đủ nhu yếu phẩm, có thực phẩm và nước uống nhưng trẻ con lại bắt đầu bị cúm và tiêu chảy”, cô Megawati, 31 tuổi, cho biết.
Bác sỹ Jumriani – Giám đốc Sở y tế địa phương cho biết, ban đầu, nhóm cứu hộ xác định nhiệm vụ trọng tâm là chữa trị cho những người bị thương. “Nhưng bây giờ mối quan tâm chính của chúng tôi là tiêu chảy, cúm và các bệnh ngoài da do tình trạng thiếu nước sạch gây ra”, bà Jumriani nói. Một bác sỹ tình nguyện cho rằng có đến 40% những người bị mất nhà cửa do thiên tai đang bị tiêu chảy, hầu hết là trẻ em dưới 6 tuổi.
Ông Samuel Carpenter – Cố vấn về nhân đạo của Cơ quan phát triển quốc tế Anh – cho rằng cần phải cải thiện các điều kiện sống của người dân sớm nhất có thể vì mùa mưa sẽ bắt đầu tại Malaysia trong tháng tới. “Mối quan ngại trước mắt là nơi trú ẩn và những bệnh lây lan qua nguồn nước và vật trung gian truyền bệnh. Chúng ta phải chuẩn bị cho các đợt bùng phát dịch bệnh”, ông Carpenter nhấn mạnh. Hiện, cơ quan giảm thiểu thiệt hại do thiên tai của Malaysia đang xây dựng kế hoạch để tổ chức cuộc sống của những người bị mất nhà cửa thành các khu vực có quy củ.