Đa phần sự im lặng đến từ cảm giác yếu thế
Tháng 9/2021, trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch, giữa những tin tức về dịch bệnh có một thông tin khiến xã hội bức xúc.
Đó là câu chuyện xảy ra tại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Khi Tổ công tác của Trạm Y tế xã Đắk Sắk tiến hành lấy mẫu dịch tỵ hầu để test COVID-19 cho người dân tại nhà cộng đồng thì đối tượng Y.T đã có hành vi quấy rối hai nữ cán bộ, cản trở không cho tổ công tác thực hiện nhiệm vụ. Qua ví dụ này có thể thấy hành vi quấy rối có thể xảy ra trong bất kỳ tình huống nào, với bất kỳ cá nhân nào.
Thế nhưng, đã và đang có một điều đáng buồn là hầu hết trước hành vi quấy rối, cách ứng xử thông thường được cả nạn nhân và người chứng kiến lựa chọn đó là im lặng.
Với vấn đề này, mới đây anh Nguyễn Trọng Tiến, đại diện Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi (CLB COC) của Trường Đại học Giao thông vận tải, trong buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Thế hệ mới: Nói không với quấy rối”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Plan International Vietnam thực hiện trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, đã nêu ra một con số đáng buồn. Theo đó, có đến 23,7% người được hỏi im lặng khi bị quấy rối hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối trên 100 thanh, thiếu niên được hỏi trong khảo sát nhỏ của CLB COC.
Lý giải cho sự im lặng của nạn nhân và cộng đồng, Việt Anh của Nhóm Youtuber 1977 Vlog chia sẻ góc nhìn cá nhân: “Theo tôi, đa phần sự im lặng đến từ cảm giác yếu thế. Nạn nhân bị quấy rối cảm thấy họ không có khả năng phản kháng hoặc có lên tiếng cũng không giải quyết được vấn đề nên họ im lặng. Những người chứng kiến xung quanh có thể cũng lo sợ việc lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến bản thân mình hay gặp những hệ quả tiêu cực, điều này cũng xảy ra phổ biến”.
Từ góc nhìn của một cô gái, Nguyễn Ngọc Nhi – đại diện CLB COC Trường THPT Vân Nội – Đông Anh cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Cá nhân em cũng từng chứng kiến những trường hợp, câu chuyện các bạn nữ xung quanh em bị quấy rối, đặc biệt là trên phương tiện công cộng như xe bus. Sự im lặng của các bạn vô tình sẽ khiến cho những hành động này tiếp diễn”.
Im lặng trước quấy rối nhưng nạn nhân và cả người chứng kiến không biết rằng chính kẻ quấy rối cũng sợ bị phát giác và lôi ra ánh sáng hành vi xấu xa của mình. Do đó, theo quan điểm của Trung Anh - Nhóm Youtuber 1977 Vlog thì các em gái và người chứng kiến cần vượt qua cảm giác yếu thế và lên tiếng yêu cầu thủ phạm dừng ngay hành vi quấy rối và tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi quấy rối, xâm hại.
Cảnh giác với thủ đoạn quấy rối mới trên mạng
M.N là một nữ sinh trung học trên địa bàn Hà Nội. Sau khi chụp bộ ảnh kỷ yếu với lớp học cuối cấp của mình, M.N nhận được tin nhắn xin lại link bộ ảnh. Tin tưởng đó là tin nhắn của ê kíp đã chụp bộ ảnh kỷ yếu cho lớp học cuối cấp của mình, đồng thời tự thấy đó là những hình ảnh nghiêm túc và rất đẹp, lưu giữ lại dấu ấn tuổi học trò nên M.N đã gửi các thông tin theo yêu cầu.
Nào ngờ, sau đó có một tin nhắn đến Facebook của M.N, yêu cầu truy cập một tài khoản khác. Khi xem trang này, em bàng hoàng khi thấy hình ảnh của mình bị nhiều người bình phẩm với những lời lẽ tục tĩu, biến thái…
Qua tâm sự với bạn bè trong lớp, nữ sinh này biết không chỉ có mình mà nhiều bạn có mặt trong bộ ảnh kỷ yếu cũng bị quấy rối với thủ đoạn tương tự. Tất cả nạn nhân đều sống trong trạng thái bất an, lo lắng đúng thời điểm cần tập trung cho kỳ thi cuối cấp và đại học sắp tới. Sau đó, một nữ sinh quyết định vượt qua nỗi sợ hãi để công khai việc bị quấy rối tình dục của bản thân và các bạn trong lớp lên trên trang cá nhân. Dư luận biết sự việc từ đó, kéo theo sự quan tâm, vào cuộc của một số tổ chức xã hội liên quan và cơ quan báo chí.
Những năm gần đây, với việc bước vào thời đại 4.0, khi chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là đã có thể tiếp cận internet dễ dàng và nhanh chóng thì phụ nữ và trẻ em gái còn đứng trước nguy cơ là nạn nhân của quấy rối trên môi trường mạng. Những hành vi quấy rối thông thường có thể là những bình luận khiếm nhã về ngoại hình phụ nữ hay gửi những hình ảnh, clip nhạy cảm, bị tung tin sai sự thật... Internet là ảo nhưng có thể để lại những tổn thương, những hậu quả thật với nạn nhân.
Bày tỏ suy nghĩ của mình, Nguyễn Ngọc Nhi – đại diện CLB COC Trường THPT Vân Nội – Đông Anh chia sẻ: “Chúng ta không thể chọn việc mình có là nạn nhân của quấy rối hay không nhưng chúng ta có thể học cách ứng phó và phản kháng. Đối với em, em sẽ không trò chuyện với người lạ, không click vào những hình ảnh, đường link được gửi từ người lạ, sẽ chặn tài khoản đó và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, thầy, cô giáo và cơ quan chức năng nếu sự việc nghiêm trọng hơn”.
Là một nhà sáng tạo nội dung, người có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ, theo Việt Anh của Nhóm Youtuber 1977 Vlog thì việc thay đổi nhận thức và hành động của cả cộng đồng không phải việc có thể làm trong một thời gian ngắn. “Do đó, khi xây dựng các video, Nhóm Youtuber 1977 Vlog đưa những thông điệp tích cực với người xem một cách nhẹ nhàng, hài hước, giống như bắt đầu gieo một hạt mầm nhỏ. Cũng giống như việc tưới nước, chăm bón cho hạt mầm, việc liên tục, thường xuyên lồng ghép thông điệp tích cực vào các sản phẩm sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ, nhận thức để hướng đến một xã hội không còn quấy rối, không còn những tiêu cực”.
Hiểu đúng về quấy rối
Theo Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư Hà Nội), hiện tại nhiều người vẫn còn hiểu chưa đầy đủ về hành vi quấy rối tình dục. Họ cho rằng chỉ những cử chỉ như ôm, hôn, sờ mó, đụng chạm cơ thể, tiếp xúc nghiêm trọng… mới là dấu hiệu của hành vi này.
Trên thực tế, quấy rối tình dục còn bao gồm cả những lời nói dung tục, khiếm nhã hay sự cợt nhả tục tĩu, thậm chí là các câu chuyện gợi dục, nhạy cảm về giới hoặc nhận xét không hay về cơ thể, giới tính hoặc trang phục của một người nào đó. Đôi khi kẻ quấy rối không trực tiếp nói ra mà có thể sử dụng công nghệ để gửi tin nhắn, email với những lời lẽ quấy rối.
Bên cạnh đó, có những hành vi quấy rối bằng phi ngôn ngữ. Đó là loại quấy rối gồm các hành động không đứng đắn như: phát tán và phô bày hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm; gửi thư, những món quà hoặc những vật mang tính chất khêu gợi; có cử chỉ, hành vi cơ thể nhạy cảm và ám chỉ tình dục với đối tượng bị quấy rối.
Từ góc nhìn của người trẻ về ranh giới giữa những lời tán thưởng, khen ngợi và trêu ghẹo, quấy rối, anh Nguyễn Trọng Tiến cũng nêu quan điểm: “Thực ra ranh giới này rất mong manh, nhưng hoàn toàn có thể nhận biết được, thể hiện qua ánh mắt, lời nói và cử chỉ. Đó sẽ là lời khen ngợi nếu đi kèm với những cử chỉ, ánh mắt thân thiện, nhưng nếu ánh mắt nhìn chằm chằm, cử chỉ đùa cợt, từ ngữ khiếm nhã thì sẽ là quấy rối”.