Các công viên – khoảng xanh trong thành phố, vẫn được ví như những “lá phổi” giúp ít nhiều điều hòa sự hô hấp cho người dân đô thị, vốn ngày càng ngột ngạt do khí thải xe hơi. Thế nhưng, “lá phổi” cũng có thể hy sinh nốt, hoặc bị “xẻ thịt” một phần, để nhường chỗ cho chính nguồn gây khí thải.
Người Hà Nội đang bàn tán về việc chính quyền “bật đèn xanh” cho việt xén công viên Thống Nhất làm bãi xe. Như tin PLVN đã đưa, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa ký quyết định (số 4968/QĐ-UBND), phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng Bãi đỗ xe ĐX1 trong công viên Thống Nhất tiếp giáp phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Công viên Thống Nhất. Minh họa nguồn Internet |
Theo đó, sẽ xây mới Bãi đỗ xe ĐX1 trong công viên Thống Nhất tiếp giáp phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng. Dự kiến quy mô xây dựng khoảng 2.384m2. Tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, từ năm 2013 đến 2015; chuẩn bị đầu tư hoàn thành quý I/2013.
Theo các phác thảo ban đầu, công trình cao 2 tầng, bãi đỗ ngầm áp dụng công nghệ tự động với 3 giá đỡ xe công suất 294 ôtô hạng dưới 2,6 tấn. Bãi đỗ xe nổi trên nóc tầng hầm chứa xe (đỗ trên mặt đất) có diện tích với sức chứa 45 ôtô và 100 xe máy, xe đạp. Tổng sức chứa của bãi khoảng 339 ô tô và 100 xe máy.
Dự án được nói có mục tiêu đáp ứng nhu cầu để xe ô tô của nhân dân trong khu vực; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đỗ xe lấn chiếm lòng đường vỉa hè; hoàn thiện mạng lưới giao thông tình trên địa bàn thành phố.
Thế nhưng, quyết định ký chưa ráo mực đã vấp phải những dư luận trái chiều. Có vị thậm chí đánh giá, Hà Nội đã “bí quá nên làm liều”?
Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, ông Đào Ngọc Nghiêm – này là Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội khẳng định, việc Hà Nội chấp thuận cho triển khai một số dự án bãi đỗ xe trong công vien Thống Nhất là giải pháp chữa cháy cho hàng loạt bãi đỗ xe đã quy hoạch không thực hiện được.
Vị này dẫn ra Quy hoạch số 165, và cho rằng, do thiếu cơ chế chính sách, thiếu sự quyết liệt, thống nhất nên các dự án bãi đỗ xe đã phê duyệt nhiều năm nay vẫn chưa triển khai được, thậm chí nhiều bãi đỗ xe theo Quy hoạch 165 còn bị biến thành nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Ông Nghiêm đặt câu hỏi, tại sao Quy hoạch 165 không được Hà Nội thực hiện nghiêm túc, nếu mọi thứ hoàn thành đúng như Quy hoạch 165 thì đến nay tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân đã có các bãi đỗ các xe quy mô tại Phùng Hưng, riêng khu vực công viên Thống Nhất và Bách Khoa sẽ có bãi đỗ xe lớn tại đường Lê Duẩn.
Để giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, thời gian qua TP.Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp, kể cả tận dụng ngõ ngách, gầm cầu, rồi cả lòng đường, vỉa hè… để đỗ xe, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu do lượng xe tăng cao. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố có hơn 123.100 phương tiện đăng ký mới, trong đó, có hơn 12.300 ôtô, trong khi các bãi đỗ xe trong nội đô mới đáp ứng 8% nhu cầu.
Ở chiều kích ngược lại, diện tích cây xanh/người tại Hà Nội hiện nay cũng mới chỉ được hơn 1m2, còn quá xa để với tới mức chuẩn ít nhất 15m2/người như kỳ vọng. Trong tình hình đó, chấp nhận hy sinh một phần công viên Thống Nhất làm bãi xe, cũng có thể hiểu là một quyế định khó khăn của Hà Nội. Nhưng để giải quyết nửa với cái túng thiếu bên này bằng việc đắp đầy thêm cái túng thiếu bên kia, thì coi như thành phố đã chấp nhận một thất bại về quản lý.
Trước đây, chính quyền Thủ đô đã chấp nhận tốn kém để dừng xây dựng dự án khách sạn SAS trong công viên Thống Nhất, những tưởng đây là bài học quý nhưng không ngờ đến nay chuyện “xẻ thịt” công viên này lại một lần nữa hun nóng dư luận.
Đó là chưa bàn đến những góc độ khác, liên quan đến văn hóa, lối sống đô thị, đến ký ức những thanh niên Hà Nội từng một thời hăng say gánh đất đào hồ, cải tạo một vùng để xây dựng nên công viên này cho thành phố…
Trường Lưu