Abdulaziz- một người tị nạn Somalia- cho biết anh cảm thấy ngột ngạt trong một trại tị nạn quá đông người trên đảo Lesbos (Hy Lạp), nơi anh đang ở chung trong một căn lều cùng hơn chục người châu Phi khác.
“Nhà tù” nổi
Anh đã từng hi vọng đến được Đức khi bắt đầu hành trình của mình, nhưng thay vào đó lại bị kẹt ở hòn đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ để chờ đợi đơn xin tị nạn của mình được giải quyết. Chờ đợi mỏi mòn ở trại Moria này suốt 8 tháng qua, Abdulaziz nói: “Ở đây giống như ở tù vậy… Tôi thấy rất ngột ngạt. Luôn có ai đó gào khóc, luôn có đánh nhau”.
Ankara và Brussels đã ký thỏa thuận ngày 18/3/2016, bắt đầu có hiệu lực 2 ngày sau đó, Ankara cam kết nhận trở lại tất cả những người di cư bất hợp pháp đã đến được Hy Lạp để giúp ngăn chặn dòng người tị nạn vào EU. Thỏa thuận này có tác dụng đặt chốt hãm trước làn sóng người di cư và tị nạn khổng lồ, nhất là từ Syria, Iraq và Afghanistan, đang bùng phát thành một vấn đề chính trị và xã hội “nóng” ở châu Âu.
Cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ, được trao đổi bằng việc bổ sung các khoản viện trợ, miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, và đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán gia nhập EU đã bị kéo dài của Ankara, cũng nhằm ngăn người di cư thực hiện các cuộc vượt biển nguy hiểm khi biết rằng họ sẽ bị gửi trả lại. Theo số liệu của cảnh sát Hy Lạp, tính tới tháng 1/2017 đã có 1.183 người di cư bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đóng cửa một loạt biên giới ở khu vực Balkan và Đông Âu trong năm ngoái, thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ đã biến các hòn đảo của Hy Lạp trở thành các trại giữ người tị nạn và di cư khổng lồ. Nhiều trại trong số này đang quá tải và thường xảy ra các vụ ẩu đả do những người ở trong trại mệt mỏi vì phải chờ đợi và lo sợ bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu của chính quyền địa phương, ở Lesbos, có gần 5.000 người ở trong các trại trên danh nghĩa được xây dựng để chứa 3.500 người.
Bộ phụ trách nhập cư của Hy Lạp đã từ chối cho phép di chuyển số lượng lớn người từ các đảo vào đất liền do lo ngại rằng động thái đó có thể phá hoại thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp ngăn chặn việc người di cư tiếp tục đến lục địa châu Âu này.
Làn sóng người di cư và tị nạn khổng lồ vẫn không ngừng tăng |
Bất an và lo sợ
Achilleas Tzemos, một điều phối viên thuộc tổ chức Bác sĩ không Biên giới (MSF) cho biết, điều kiện sống ở trại Moria, vốn từ lâu đã rơi vào tình trạng sinh hoạt tồi tệ và quá tải, hiện đã được cải thiện. Theo Cao ủy Liên Hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), việc chuyển những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những trẻ em không có người lớn đi kèm và những người bị thương tích, đã được đẩy nhanh, với ít nhất khoảng 10.000 người đã được chuyển đi các nơi khác. Song những người ở lại vẫn đang phải chịu đựng ít ra là sự bất an. Tzemos nói: “Không biết điều gì đang đợi họ ở phía trước khiến họ thấy rất lo sợ”.
Theo MSF, hiện ngày càng gia tăng các vụ tự gây tổn thương và cố gắng tự sát. Ngày 17/3, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra thêm nhiều đau khổ, nhất là cho trẻ em, mặc dù đã ngăn được dòng người di cư. Điều phối viên khủng hoảng di cư Afshan Khan thuộc UNICEF trong một tuyên bố đã nêu: “Mặc dù đã có sự giảm mạnh tổng số trẻ di cư tới châu Âu kể từ tháng 3 năm ngoái, song lại có sự gia tăng các mối đe dọa và nguy hại mà trẻ em tị nạn và di cư phải chịu đựng”.
Cần thông tin
Theo số liệu của cảnh sát Hy Lạp, trong năm qua, 851 người có đơn xin tị nạn bị bác bỏ hoặc tự từ bỏ đã bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các luật sư, ngay cả những người có quyền được quốc tế bảo vệ cũng từ bỏ bởi họ không hiểu cơ chế thủ tục hoặc bởi họ muốn thoát khỏi sự khổ sở ở trong trại.
Philip Worthington, điều phối viên dự án thuộc hiệp hội Luật gia châu Âu tại Lesbos cho rằng “thông tin là cần thiết” đối với người tị nạn. Ông cho biết, trong một cuộc phỏng vấn xin quy chế tị nạn, một người Iraq lưu vong đã nhấn mạnh về khả năng làm tài xế xe tải của mình thay vì nói tới những sự ngược đãi mà anh phải chịu do theo đạo Cơ đốc.
EU đang bắt đầu giải quyết vấn nạn nhân đạo mà các tổ chức nhân quyền cho người tị nạn đã lên tiếng chỉ trích. Những căng thẳng lên cao giữa người dân và người di cư, những hình ảnh trên truyền thông về các khu lều mong manh trước bão tuyết, cái chết của 3 người di cư ở trại Moria hồi tháng 1 vừa qua vì những lý do chưa rõ, đã khiến nhà cầm quyền Hy Lạp phải hành động.
Cuộc “khẩu chiến” giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận di cư đang leo thang trong những ngày qua sau khi Ankara chỉ trích Đức và Hà Lan ngăn chặn các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch vận động trước cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý quan trọng vào tháng 4 tới của Thổ Nhĩ Kỳ. EU cho biết, họ mong Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng thỏa thuận sau khi Ankara đe sẽ hủy bỏ nó...