Huyết mạch Sài Gòn: Tiêu tiền Nhà nước hàng ngàn tỉ mà vẫn làm khổ dân

Nhà mặt tiền biến thành “hầm” vì nâng đường chống ngập
Nhà mặt tiền biến thành “hầm” vì nâng đường chống ngập
(PLO) - Đường Kinh Dương Vương, con đường cũ trên tuyến huyết mạch của Sài Gòn đã được nâng  cấp chống ngập hai lần. Nhà phố hai bên đường lại được xây dựng ổn định từ hàng chục năm qua.Đùng một cái, đường lại bị nâng lên đến trên dưới một mét. Nhà dân bị con đường to như bức tường thành chắn trước mặt. 

Theo quy luật “nước chảy về chỗ trũng”, nhà dân sẽ thành hầm, hào chứa nước. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân dọc hai bên đường đang náo loạn vì bị xây tường che khuất mặt tiền, đi lại sinh hoạt mua bán bị khó khăn ngừng trệ. Không dừng lại đó, khi đường làm xong, không chỉ hơn 300 căn nhà mặt tiền mà hàng ngàn nhà dân phía sau con đường này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chuyện chống ngập ngày nay là bài toán đa dạng nhiều yếu tố, công cụ, phương pháp khoa học chứ không đơn giản là “nước càng cao thì đường phải càng cao” như chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh hàng ngàn năm trước.

Tiêu tiền Nhà nước hàng ngàn tỉ mà vẫn làm khổ dân và nguy cơ rất rõ là việc làm đường này sẽ gây ngập úng thêm cho khu vực.  Lãnh đạo TP đã đến tận nơi thăm quan nhưng chỉ đạo giải quyết vẫn chưa thật căn cơ. Do đó vẫn canh cánh nỗi lo tiền mất tật mang.

Nhiều tháng qua, hơn 300 hộ dân ở TP.HCM nằm ở mặt tiền đường Kinh Dương Vương TP.HCM (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến An Lạc) dài gần 3km đã và đang kinh hoàng đối phó với dự án nâng cao nền đường trên dưới một mét, làm những căn nhà của họ đang ổn định hàng chục năm nay bỗng chốc hóa thành hầm, hào chứa nước. Đây là công trình tiêu tốn gần 2 ngàn tỉ đồng, chỉ để chống ngập.

Nhà mặt tiền hóa “hầm”

Công trình phi lý này cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Theo báo cáo, nó đã được thực hiện rất đúng quy trình. Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Ngọc Công cho biết, theo thiết kế phê duyệt của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cao độ tim đường 2m, mép đường là 1,7m mới giải quyết được tình trạng ngập nước do triều và mưa lớn tại tuyến đường này, bởi đỉnh triều cao nhất hiện nay đã đạt 1,68m. Hiện cao độ mép đường hiện hữu thấp, có đoạn chỉ 0,4m nên cao độ mới chênh lệch so với cao độ cũ tới 1,3m.

Hiện nay, hai bên vỉa hè của đường được xây một dải tường gạch cao từ 0,7 đến 1,2m chắn ngang trước mặt tiền nhà dân theo cao độ của lề đường dự kiến. Mọi việc mua bán kinh doanh của hàng trăm hộ dân hai bên đường hoàn toàn bị đình trệ. Ngay cả điều kiện sinh sống bình thường của người dân cũng hết sức khó khăn. Từ nhà mở cửa bước ra đường phải vượt qua rào chắn cao, người đi lại đã khó, muốn đưa xe máy vào nhà càng khó, phải nhiều người hợp sức khênh xe qua ải.

Nhiều người đang hối hả nâng nền nhà tương thích với mặt đường theo độ cao mới. Việc này chắc chắn sẽ tốn kém khá nhiều tiền bạc, công sức. Thế nhưng không phải nhà nào cũng có thể nâng nền lên cao thêm cả mét.

Nhiều căn nhà sẽ bị biến dạng, đặc biệt các ngôi nhà tầng trệt thấp, nếu nâng thêm nền sẽ thấp đến mức người đi khó lọt, muốn sinh hoạt ổn định chỉ có thể đập phá toàn bộ ngôi nhà, xây dựng lại mới theo tỉ lệ cao độ của nền đường mới. Phải phá vỡ cả căn nhà cũng không khác gì phải tự đốt nhà mình, người dân bị thiệt hại quá lớn. 

Qua khảo sát một số nhà dân, nếu nền được nâng cao 1,2m thì nhiều nhà có nguy cơ biến thành hầm. Có nơi, chiều cao nhà chỉ còn một nửa từ nền đến trần. 

Trao đổi với báo chí, ông Lê Cảnh Bửu (số 689, Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết, đang phải tìm cách nâng nền nhà lên để đuổi kịp với mặt đường. Khi nền được nâng lên 1,2m thì khoảng không nhà ông mất gần một nửa. Cửa sổ nhà phải dời lên cao và kéo theo những hạng mục khác. 

Ông Nguyễn Văn Đen (số 413, Kinh Dương Vương, phường An Lạc) cho rằng, con đường này đang nâng lên quá cao, mong chính quyền xem lại nếu không nhà ông chỉ còn khoảng 2,5m chiều cao, rất ngột ngạt và hết đường làm ăn kinh doanh. 

Dải tường gạch chắn trước nhà dân theo cao độ dự kiến của đường Kinh Dương Vương.
Dải tường gạch chắn trước nhà dân theo cao độ dự kiến của đường Kinh Dương Vương.

Nguy cơ càng chống càng ngập

Vấn đề đặt ra ở đây là hiệu quả công trình. Con đường chống ngập theo kiểu Sơn Tinh - Thủy Tinh này không những làm khổ người dân mà còn có nguy cơ lớn hơn là không chống được ngập, lại gây ngập rộng hơn cho cả khu vực. 

Với góc độ một người dân địa phương mắt thấy tai nghe, ông Nguyễn Văn Đen đã băn khoăn lo ngại: “Ngày xưa đường này cũng sửa chữa, làm cống hộp một lần mà đường vẫn ngập. Giờ làm đường cao lên như vầy không biết có hiệu quả? Chỉ sợ nước sẽ tràn vào nhà dân hết”.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng với tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), TP đã hai lần thi công trước đó, nhưng không nắm được số liệu ngập và cao độ bao nhiêu thì hợp lý nên vẫn cứ ngập nặng. Cống nước trên tuyến đường này đi không tới nơi, một số cống miệng cao nên không thoát được.

Theo ông Sanh, việc nâng đường hiện nay không phải là giải pháp tốt nhất, bởi khi nâng đường lên hơn 1m, nhà dân hai bên đường cũng nâng theo thì ngập vẫn ngập. Cơ quan chức năng nên tìm ra nguyên nhân thông qua khảo sát cụ thể, cao bao nhiêu là đủ, tại sao đường Kinh Dương Vương đã làm trên hai lần nhưng vẫn ngập?

“Đường Kinh Dương Vương nâng lên quá cao, thì tất yếu những tuyến đường khác như Tên Lửa, An Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm thấp xuống sẽ tiếp tục gây ngập đồng loạt”, ông Sanh cho biết. 

Cần sòng phẳng “hỗ trợ” hay đền bù?

Trước lời kêu ca của hàng trăm hộ dân ở đây và phản ảnh của báo chí, ngày 7/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chấp thuận đề xuất của Sở GTVT về việc xây dựng khung pháp lý, các mức hỗ trợ cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện, nhằm giảm bớt khó khăn của người dân khi có nhà bị ảnh hưởng do nâng đường giao thông trên địa bàn TP Tuy nhiên giải pháp “hỗ trợ” này chưa đủ và chưa đúng để giải quyết tình huống.

Chưa đủ vì chưa trả lời được cụ thể mức hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ được bao nhiêu phần của thiệt hại mà người dân phải gánh chịu? Nói sòng phẳng và chính xác hơn, theo nguyên tắc dân sự, những nhà dân ở đây hầu hết đều được xây dựng hợp pháp, theo thiết kế quy hoạch của TP. Việc làm đường gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường, chứ không thể là hỗ trợ.

Và nếu là bồi thường thì mức bồi thường sẽ phải là thương lượng thống nhất giữa hai bên căn cứ vào mức độ thiệt hại, chứ không thể đơn phương do chính quyền địa phương xem xét “ban ơn” giúp đỡ. Còn chưa đúng vì chỉ đạo của ông Tín đã mặc định chấp nhận việc nâng cao đường là đúng mà chưa đánh giá xem xét lại hiệu quả hoặc hậu quả chống ngập của nó.

Tại buổi làm việc ngay sau chuyến thị sát tại hiện trường công trình ngày 9/6, Chủ tịch UBND  TP Nguyễn Thành Phong đã có ý kiến chỉ đạo tiến bộ hơn, cho rằng dự án nâng đường Kinh Dương Vương đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Ông Phong phê bình chủ đầu tư dự án đã thi công tắc trách, phê bình UBND quận Bình Tân và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước vì đã làm chưa tốt việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến dân… Ngoài ra, đơn vị thi công lựa chọn thời điểm triển khai công trình ngay mùa mưa đến đã ảnh hưởng đến người dân.

Ông Phong chỉ đạo các đơn vị liên quan phải nhanh chóng tìm ra giải pháp, phối hợp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè, bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. Một mặt phải tính toán, thống kê thiệt hại cụ thể của người dân để hỗ trợ thỏa đáng.

Chỉ đạo của ông Phong tuy có tiến bộ hơn ông Tín nhưng xem ra cũng chỉ nửa vời. Về tính chật thiệt hại cho người dân, ông Phong chưa gọi đúng tên mà dùng từ ngữ không mang tính pháp lý là “bị ảnh hưởng”.

Giải pháp của ông Phong vẫn là kiểu ban ơn là tính toán thống kê để hỗ trợ thỏa đáng. Ông Phong phê bình chủ đầu tư dự án đã chưa làm tốt việc công bố quy hoạch lấy ý kiến dân nhưng lại không khắc phục khuyết điểm này, tiếp tục giao các ngành liên quan tìm giải pháp phối hợp đồng bộ để giải quyết. Tức là vẫn giao cho những người làm sai tự điều chỉnh cái sai của mình.

Phải tìm đúng thầy, “chẩn” đúng bệnh, trị đúng căn

Trước thực tế con đường này đã từng được các ngành đơn vị chức năng của TP chống ngập hai lần nhưng vẫn chưa thành công, ngập vẫn hoàn ngập, còn nặng hơn, cho thấy năng lực của các đơn vị này không đủ sức để xử lý chống ngập ở đây. 

Thứ hai, qua phản biện của người dân và các nhà khoa học, cho thấy ngay từ lý thuyết dự án đã có dấu hiệu không khả thi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra ngập rộng hơn cho toàn khu vực. Nếu chỉ điều chỉnh dự án một cách chắp vá, giảm độ cao của nền đường, e rằng cũng không giải quyết được căn cơ và nỗi lo tiền mất tật mang vẫn còn đó.

Thiết nghĩ, chủ đầu tư cần tổ chức công bố thông tin chi tiết dự án này và cần tổ chức hội thảo khoa học mời những nhà khoa học, các tổ chức khoa học chuyên ngành tham gia phản biện và đề xuất giải pháp toàn diện, triệt để việc chống ngập này trong chiến dịch chống ngập chung của toàn thành phố.

Nếu cứ vẫn chống ngập cục bộ riêng lẻ trong từng dự án sẽ tiếp tục đi vào vết xe cũ, chuyển chỗ ngập này sang chỗ khác, càng chống càng ngập. Thiết kế hạ tầng đô thị là bài toán tổng hợp của quy hoạch xây dựng, kiến trúc nhà cửa cầu cống cấp thoát nước, đường xá giao thông trên toàn địa bàn.

Hơn thế nữa cũng cần nghiêm túc, khách quan, công bằng với người dân, đối xử với dân đúng luật pháp. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường chứ không thể gọi là hỗ trợ. 

Ngân sách phần lớn là tiền thuế của người dân và những nguồn thu khác mà người dân có quyền được hưởng một cách công bằng. Yêu cầu của người dân là nhà nước sử dụng ngân sách đạt hiệu quả cao nhất cho cộng đồng, chứ không thể vừa lãng phí vừa hại dân, lại ra vẻ ban ơn.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.