Quy hoạch nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Từ việc xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch có tính chất quan trọng, huyện Yên Lạc dựa vào đặc điểm, không gian tự nhiên, hệ thống giao thông chính và dự kiến quy hoạch phát triển các khu chức năng trong vùng.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển theo mô hình 2 trục và 2 hành lang gồm trục Bắc - Nam, kết nối thành phố Vĩnh Yên, qua vùng Yên Lạc đến Thành phố Hà Nội, tập trung cải tạo đô thị hiện hữu, phát triển đô thị, dịch vụ thương mại; trục Đông - Tây kết nối vùng Yên Lạc với các vùng phía Nam của tỉnh; tập trung phát triển đô thị và công nghiệp.
Hai hành lang phát triển gồm hành lang phía Bắc, phát triển dọc theo quốc lộ 2, trục Đông - Tây của vùng Yên Lạc, định hướng phát triển đô thị, cụm công nghiệp, xen kẽ cây xanh mặt nước sinh thái; hành lang phía Nam tập trung phát triển theo đê tả sông Hồng, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn, du lịch trải nghiệm, hành lang cây xanh ven sông Hồng.
Đồ án cũng định hướng phân bổ, phát triển không gian của huyện Yên Lạc với 3 vùng phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị… cũng như xác định hệ thống công trình hạ tầng xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu phát triển.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND huyện Yên Lạc đã tổ chức công bố và chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhằm tạo sự thống nhất về tư duy, nhận thức cũng như định hướng phát triển của huyện trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở hiện trạng phát triển và định hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những mục tiêu cốt lõi được xác định trong Quy hoạch xây dựng vùng huyện là việc tập trung quy hoạch, phát triển về công nghiệp - xây dựng.
Trong đó, huyện xác định phát triển thêm 3 khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Yên Lạc với quy mô 183ha tại xã Yên Phương và xã Nguyệt Đức; mở rộng KCN Đồng Sóc, phần diện tích trên địa bàn xã Yên Đồng quy mô 115ha; KCN Bình Xuyên - Yên Lạc, phần diện tích trên địa bàn xã Văn Tiến quy mô 175ha.
Các KCN được phân bố dọc theo trục đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc, có mối liên kết vùng thuận lợi, bảo đảm khả năng thông thương, phát triển.
Đồng thời phát triển 10 cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Đồng Văn quy mô 24,17ha; CCN làng nghề Tề Lỗ quy mô 25,03ha; CCN thị trấn Yên Lạc quy mô 5,18ha; CCN làng nghề Yên Đồng quy mô 18,3ha; CCN Trung Nguyên quy mô 20ha; CCN làng nghề Minh Phương quy mô 55,83ha; CCN làng nghề Yên Phương quy mô 45ha; CCN làng nghề Tề Lỗ 2 quy mô 70ha; CCN làng nghề Đồng Văn 2 quy mô 17,3ha; CCN làng nghề Đồng Văn 3 quy mô 50ha.
Các CCN được tập trung phát triển theo các trục đường chính trong vùng, có liên kết thuận lợi để phát triển. Các KCN, CCN được định hướng phát triển loại hình sản xuất công nghiệp sạch có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đa ngành, không ô nhiễm môi trường.
Trước mắt tập trung kêu gọi đầu tư các KCN Yên Lạc, KCN Bình Xuyên - Yên Lạc địa phận xã Văn Tiến; CCN làng nghề Yên Phương, Tề Lỗ 2, Đồng Văn 2.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đề ra, các cấp chính quyền trên địa bàn tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khoa học, đặc biệt trong quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; khuyến khích sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi và phản ánh đúng nguyện vọng của người dân.
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất huyện Yên Lạc thời kỳ 2021 - 2030 bảo đảm thống nhất với Quy hoạch xây dựng vùng huyện phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Tập trung ưu tiên, huy động và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Yên Lạc là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, tầm nhìn đến năm 2050 là khu vực nội thị của thành phố Vĩnh Phúc và là quận nội thị khi đô thị Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.