Huyền thoại về người mẹ, người bà ba vị tướng

Tinh thần yêu nước của cụ Đặng Thị Cấp khắc sâu trong tiềm thức những người con. Cả 5 người con của cụ được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn.

Trung Thôn (xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) là làng cách mạng nằm ven bờ sông Gianh. Ở đó, có một người mẹ, người bà của ba vị tướng: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh chiến trường Trường Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4 và trên 50  sỹ quan cấp tá (có 5 người là Đại tá), cấp uý cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hình tượng mẹ, cuộc đời bà sâu lắng như trong lời bài hát “Huyền thoại mẹ”, của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn…

Một ngày giữa tháng 12 lịch sử, chúng tôi khăn gói ngược Quốc lộ 12A về làng cách mạng Trung Thôn gặp những nhân chứng lịch sử để tìm hiểu về cuộc đời, sự cống hiến cho Cách mạng của người mẹ Tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Bà là Đặng Thị Cấp (sinh năm 1882), sinh ra và lớn lên trên một làng quê cách mạng ở thôn Kinh Trừng, xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, là cháu ngoại của một thủ lĩnh nghĩa quân Lê Trực nên từ nhỏ đã thấm nhuần khí tiết anh hùng.

Năm lên 21 tuổi, bà kết bạn đời với ông Nguyễn Hữu Khoán ở làng Trung Thôn (xã Quảng Trung, Quảng Trạch), cũng là cháu nội của một thủ lĩnh nghĩa quân Lê Trực, sinh được 7 người con (5 trai, hai gái). Năm 49 tuổi, chồng mất đột ngột, để lại mình bà với 7 người con đang tuổi ăn, tuổi học.

Huyền thoại về người mẹ, người bà ba vị tướng ảnh 1
Phần mộ của mẹ Cấp ngày ngày dõi theo những bước chân của lớp lớp con cháu…

Chúng tôi được gặp một nhân chứng lịch sử là cụ Nguyễn Thanh (97 tuổi), người con đầu của bà. Cụ nhớ lại: "Sau lúc bố tui mất sớm, nhà bảy miệng ăn, chỉ dựa vào 4 sào ruộng, một mình mẹ phải bươn chải thức khuya dậy sớm nuôi tằm, dệt vải, mua thóc giã gạo đi bán chợ trong, chợ ngoài và chăn nuôi lợn để lo cho 5 người con trai học hết bậc tiểu học".

Chính vì vậy, từ năm 1937 - 1945, bà là cơ sở tin cậy của phong trào cách mạng ở địa phương, ngôi nhà của bà là nơi đùm bộc cho nhiều cán bộ hoạt động cách mạng bí mật, có cả cán bộ của xứ uỷ, tỉnh và huyện. Chính nơi đây là nơi in ấn tài liệu, cất dấu tài liệu mật của Đảng, là nơi hội họp bí mật của Chi bộ phủ uỷ lâm thời và còn là nơi cất giấu vũ khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Tuy hoàn cảnh cơ cực, nhưng do ảnh hưởng tinh thần yêu nước của ông ngoại và thơ ca yêu nước của Phan Bội Châu, của nghĩa quân Lê Trực trong lòng bà trỗi dậy lòng yêu nước.

Tinh thần yêu nước luôn được bà khắc sâu trong tiềm thức của những người con, vì thế trong khoảng thời gian trên, cả 5 người con kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương hoạt động cho cách mạng và đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn.

Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà hăng hái tham gia công tác phụ nữ, công tác hội mẹ chiến sỹ, vận động 5 con trai và một con dâu tham gia vệ quốc. Khi quê hương bị giặc chiếm đóng, theo chủ trương của tỉnh bà vận động bà con tiêu thổ kháng chiến, tản cư người già, trẻ con đến vùng tự do.

Năm 1950, tuy quê nhà còn bị địch chiếm, nhưng vì muốn trực tiếp phục vụ chiến đấu bà hồi cư vận động bà con quyên góp thóc gạo, tiếp tế cho du kích đánh giặc. Sau khi miền Bắc được giải phóng, bà được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến và bằng “có công với nước”.

Đang hăng say tham gia công tác mặt trận và nhiều hoạt động khác, bất ngờ bà bị Đoàn uỷ cải cách ruộng đất quy oan là phản động vì có 5 người con là quốc dân đảng (thời điểm đó cán bộ cải cách ruộng đất xem những ai vào Đảng trước năm 1945 là quốc dân đảng), bà bị bắt giam và tra khảo.

Nhưng không vì thế mà bà khuất phục, bà tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ. Quả đúng như vậy, sau đó Đảng đã sửa sai, bà được phục hồi danh dự. Từ năm 1960 đến 1975, bà tiếp tục hoạt động và tham gia vào Ban chấp hành Mật trận Tổ quốc cấp huyện và cấp tỉnh cho đến khi nghỉ hưu.

Cụ Thanh nhớ “như in” một lần mẹ mình bị “chết hụt”: Năm 1974, mẹ ốm nặng, vài tuần không ăn uống gì, con cháu đã chuẩn bị mọi việc cho lễ tang, rất nhiều cơ quan, đoàn thể khắp cả nước cử đại biểu mang vòng hoa vào viếng. Bất ngờ, mẹ tỉnh dậy và hỏi “làm gì mà nhiều hoa thế”, thấy vậy con cháu ai ai cũng vui sướng vì mẹ, bà đã “sống lại”. Kể từ đó, sức khoẻ mẹ ổn định và khoẻ hẳn lên.

Năm 1975, trong lễ mừng Đại thắng mùa xuân, giải phóng hoàn đất nước, bà vinh dự được Chính phủ mời ra Hà Nội dự lễ. Sau đó vài năm, mặc dù đã ở cái tuổi 97 nhưng bà vẫn tỉnh táo, khoẻ mạnh đi hàng nghìn cây số để cùng Đoàn Đại biểu các gia đình có công với nước, với Cách mạng hành hương về quê Bác và ra Hà Nội vào lăng viếng Bác. Theo như con cháu kể lại, đó là những chuỗi ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời mẹ, bởi “đất nước đã hoàn toàn giải phóng, con cháu đã thành đạt đúng như tâm nguyện của mẹ…”.

Ngày 22/4/ 1982, ngày bà sinh nhật lần thứ 100 cũng là ngày bà đi vào giấc ngũ ngàn thu. Ông Nguyễn Hữu Ảnh (82 tuổi, là con út của bà) kể lại thời khắc cuối cùng: “Sau khi mẹ mất, các con phải nhớ không nên bày vẽ đình đám linh đình làm phiền hà đến nhân dân, phải thương yêu đùm bọc lấy nhau như lúc mẹ còn sống và phải hương khói cho ông bà, tổ tiên”.

Hạnh phúc nhất của cuộc đời bà khi về nơi chín suối là được nhìn thấy những người con thành đạt, những đứa cháu trưởng thành và “bầy” chắt, chút, chít khôn lớn từng ngày.

Hạnh phúc hơn, mẹ có 6 người con, trên 50 cháu, chắt gia nhập vào Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thời bình. Đặc biệt, tính đến nay bà đã có hai người con và một người cháu là cấp Tướng trong quân đội nhân dân Việt Nam: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- nguyên Tư lệnh chiến trường Trường Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh- nguyên Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng uỷ kiêm Phó giám đốc Học viện Hậu cần và Trung tướng Nguyễn Hữu Cường- Tư lệnh Quân khu 4.

Ngoài ra, con cháu của bà có gần 100 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hai người là quân khu uỷ viên, ba thường vụ Tỉnh uỷ (hoặc tương đương) và trên 100 cháu, chắt là cán bộ cấp cao và công nhân viên chức nhà nước.

Trong một lần về thăm quê, chúng tôi vinh dự được nghe Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nói về mẹ mình: “Mẹ đã sống cả cuộc đời trọn nghĩa, vẹn tình. Những gì làm được cho đất nước, cho xóm làng mẹ đã cố gắng hết mình. Mẹ là người con rất mực hiếu thảo với cha mẹ đẻ cũng như cha mẹ chồng, đặc biệt là tình cảm của mẹ với ông bà ngoại. Cả cuộc đời mẹ trong mối quan hệ với 6 anh em trai của chồng và 6 chị em dâu không hề có chút tai tiếng, biết kính trên nhường dưới. Với bạn bè, xóm giềng mẹ đã sống đầy nhân nghĩa, giàu lòng thương yêu giúp đỡ. Đặc biệt, mẹ tham gia tích cực, hăng say trong mọi trong trào đoàn, hội và mặt trận…”.

Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến, bà đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, tặng “Bảng vàng danh dự” và “Gia đình có công với nước”. Năm 2005, ngôi nhà của bà đã được Đảng, Nhà nước công nhận và dựng bia “Di tích cách mạng”.

Những ngày này, con cháu của bà, các cơ quan đoàn thể liên tục về thắp hương, tưởng niệm và quây quần bên ngôi nhà mà năm xưa là một “cơ sở cách mạng”, đặc biệt là nơi sản sinh ra những tướng tài.

Chia tay “Di tích cách mạng”, chúng tôi đi theo con đường làng Trung Thôn về thắp hương cho phần mộ của bà. Ở đó, tuy bà đã nằm xuống cách đây gần 30 năm, nhưng có lẽ ngày ngày anh linh bà vẫn hằng dõi theo những bước chân của lớp lớp con cháu…

Hưng Nguyễn

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.