Dù vậy, về cơ bản có thể xếp mô hình tổ chức của các ninja theo 2 nhóm, một là mô hình tổ chức theo chiều dọc với hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt và mô hình thứ 2 là mô hình tổ chức theo chiều ngang. Điển hình của mô hình “dọc” là tổ chức ở tỉnh Iga và tổ chức ninja ở tỉnh Koga chính là đại diện cho kiểu tổ chức theo chiều ngang.
Mỗi lãnh địa 1 mô hình
Ở thời Trung cổ, Nhật Bản bị chia tách thành nhiều lãnh địa. Trong đó, Iga là một vùng đất tách biệt và độc lập với thế giới bên ngoài. Tổ chức của các ninja sống ở Iga có 3 cấp bậc, bao gồm Jonin, Chunin và Genin.
Dù khác biệt nhưng các ninja vẫn thống nhất trong hoạt động. Khi có sự biến động, nghĩa vụ tuân thủ các quy định về cấp bậc trong các nhóm ninja sẽ tuyệt đối tuân thủ. Khi đó, các ninja Chunin sẽ phải tuân theo chỉ đạo của các ninja Jonin và các ninja thuộc cấp Genin phải phục tùng chỉ đạo của các ninja Chunin.
Ngoài việc phân cấp như vậy, 3 cấp bậc ninja nói trên cũng được phân chia thành 2 giai tầng, bao gồm Yonin và Innin. Trong đó, các ninja Yonin chủ yếu đảm nhiệm các công việc liên quan đến trí tuệ còn các ninja Innin chủ yếu thực hiện công việc lao động chân tay, thủ công.
Koga cũng là một vùng đất tự trị mạnh mẽ như Iga. Tuy nhiên, mô hình tổ chức của các ninja ở Koga lại hoàn toàn trái ngược với mô hình tổ chức ở Iga.
Do vị trí địa lý khá bằng phẳng, lại gần với các trung tâm thương mại sầm uất thời bấy giờ là Kyoto và Oumi, các thành viên của tổ chức ninja ở Koga thường vào tổ chức hoặc ra khá dễ dàng.
Trong bối cảnh lượng người và thông tin vào, ra lớn, nhiều người hy vọng gia nhập tổ chức ninja ở đây và cũng có nhiều ninja ngược lại muốn rời bỏ tổ chức để tìm kiếm các cơ hội mới ở bên ngoài. Vì những yếu tố này mà cấu trúc tổ chức hoạt động của tổ chức ninja ở Koga lỏng lẻo hơn nhiều so với mô hình tổ chức ở Iga.
Hợp tác chặt chẽ
Mặc dù vậy các ninja ở Iga và Koga không hề “chơi xấu” với nhau, mà thường xuyên hợp tác, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ chung.
Có nhiều bằng chứng cho thấy các ninja ở 2 tỉnh này thường xuyên chia sẻ thông tin cho nhau và cũng có nhiều trường hợp các lãnh chúa hay chỉ huy quân đội đã thuê các ninja ở cả 2 tỉnh Iga và Koga cùng thực hiện một nhiệm vụ chung nào đó.
Theo các ghi chép, trong cơ cấu tổ chức của tổ chức ninja ở tỉnh Iga có 12 lãnh đạo của các nhóm còn ở Koga có 53 thủ lĩnh. Ở cả 2 mô hình tổ chức này, các quan điểm và quy tắc của tổ chức ninja thường được quyết định thông qua tham vấn giữa các lãnh đạo của các nhóm.
Tại các tổ chức này đều có những cơ chế để quyền lực không tập trung vào một người. Việc thực hiện các quy tắc ở các tổ chức ninja cũng rất dân chủ.
Như đã nói ở các kỳ trước, một trong những công việc chính của các ninja là hoạt động gián điệp. Các tổ chức ninja sẽ cung cấp người thực hiện các sứ mệnh cho chủ nhân hay các lãnh chúa mà họ phục vụ. Đổi lại, chủ nhân hay lãnh chúa đó sẽ đứng ra bảo vệ các cộng đồng ninja và người thân của họ khỏi sự xâm chiếm của các gia tộc hùng mạnh khác.
Vì lý do đó, mỗi ninja luôn có ý thức đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích của cá nhân. Một ninja luôn có ý thức mạnh mẽ về việc thực hiện nhiệm vụ và chấp nhận chỉ thị từ tổ chức. Trong trường hợp từ chối thực hiện nhiệm vụ, ninja có thể bị trừng phạt hoặc bị tẩy chay. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không thể sống trong cộng đồng đó nữa.
Một cuốn sách nói về các lý tưởng của ninja |
Trong một số cuốn sách về ninja như “Kamuiden” hay “Naruto”, những ninja phản bội thường được gọi là “Nukenin”. Những người này một khi bỏ trốn khỏi cộng đồng thường bị các cộng sự khác truy sát vì theo các quy tắc của ninja, những người đó cần phải bị loại bỏ.
Song, trên thực tế, việc này được cho là không xảy ra nhiều bởi các nhóm ninja nhiều khi cũng không thể đủ thời gian và nguồn lực để đi truy bắt những ninja đã bỏ trốn, nhất là trong điều kiện địa lý không thuận tiện như thời xưa.
Những quy tắc cần thiết
Trong tiếng Kanji của Nhật, chữ ninja được viết bao gồm 2 chữ có nghĩa là “chịu đựng” và “con người”, hay nói cách khác, từ ninja nghĩa là một ai đó có thể chịu đựng rất nhiều áp lực.
Thêm vào đó, chữ “chịu đựng” cũng có thể tách ra thành 2 chữ là “rìa” và “trái tim”, với ý nghĩa là một người sẽ cần phải từ bỏ cảm xúc cá nhân khi trở thành một ninja.
Ngay ở cái tên của các ninja cũng đã cho thấy được rằng trong các nhóm ninja, quy tắc của cộng đồng luôn là điều quan trọng nhất, đặt trên tất cả các quy tắc khác. Mỗi ninja sẽ có những khả năng khác nhau nhưng khi hành động, họ luôn phải phục tùng sự chỉ đạo của tổ chức, đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích cá nhân.
Ví dụ, vì tính chất công việc nên các ninja thường đối mặt với những tình huống mà trong đó họ có thể sẽ gặp những kho báu lớn ngay trước mắt. Tuy nhiên, kể cả như vậy, họ cũng không thể lén lấy tài sản cho cá nhân.
Hay như việc các ninja khi thực hiện sứ mệnh thu thập thông tin sẽ nắm được rất nhiều bí mật nhưng họ cũng không thể lợi dụng những bí mật đó để trục lợi mà phải hoàn toàn giữ im lặng theo đúng yêu cầu của tổ chức.
Trường hợp thứ 3, ninja sẽ phải từ bỏ danh dự, tự trọng cá nhân vì tổ chức, ví dụ như khi họ buộc phải đóng vai người ăn xin để do thám thông tin. Trong trường hợp như vậy, không bao giờ để người khác biết được rằng mình thực sự là một ninja chính là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà ninja phải thực hiện.
Vì tính chất công việc nên nhiều bí mật của các ninja được họ mang theo đến khi xuống mồ.
Có thể liệt kê 10 lý tưởng mà các ninja luôn phải tuân thủ.
1. Đảm bảo một thân thể khỏe mạnh, sự trung thành, dũng cảm, chiến thuật, kỹ năng và niềm tin.
2. Luôn trung thành và ít ham muốn cá nhân để ghi nhớ các nghĩa vụ cần thực hiện.
3. Trau dồi khả năng hùng biện, chịu khó đọc sách cả trong và ngoài nước để trở nên khôn ngoan, không ai có thể đánh lừa được.
4. Cần biết lo xa, cần biết rõ các giáo lý của Phật giáo và Khổng giáo để nhận ra được vận mệnh của một người.
5. Tôn trọng truyền thống lịch sử để giữ được chí khí anh hùng.
6. Không tranh luận với bất cứ ai để trở thành một người đàn ông tốt.
7. Có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và họ hàng, không bao giờ phản bội bất kỳ ai và lạm dụng năng lực ninjutsu.
8. Đi khắp đất nước để hiểu về phong tục và đặc tính của từng vùng đất.
9. Rèn luyện năng lực văn học để có thể viết thành thạo và có thể hiểu được các vấn đề quân sự.
10. Rèn luyện các kỹ năng nghệ thuật như múa và hát, âm nhạc truyền thống của Nhật để gây ấn tượng với người và sử dụng đến khi cần thiết.