Trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch ở Khu Bốn, ngoài Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn (Đô Lương- Nghệ An) được gọi là “cửa tử”. Địa danh ấy đã hằn vào lịch sử bi tráng của đất nước, nơi 12 trai gái TNXP và 1 bộ đội đột ngột tắt lặng tuổi thanh xuân trong một trận bom của kẻ thù hòng chặt đứt một cung chặng vận tải chiến lược…
“ Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương”
Ngày 15/7/1950, theo chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành lập đơn vị Thanh niên Xung phong đầu tiên với 225 đội viên. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, khoảng 300-400 nghìn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các chiến trường, chủ yếu là bảo đảm thông suốt các cung đường vận tải chiến lược. Đóng góp và những tổn thất, hi sinh của TNXP là vô cùng to lớn. 10 nghìn người trong số đó đã anh dũng hy sinh, 46 nghìn người bị thương, hơn 10 nghìn người nhiễm chất độc da cam...
Chiến công của họ được cả nước biết đến và tôn vinh. Nhưng lực lượng TNXP Việt Nam còn có nhiều chiến công và hi sinh oanh liệt nữa, tuy nhiên vì nhiều lý do, một số trường hợp còn chưa được thật nhiều người biết đến. Các liệt sĩ TNXP chiến đấu và hi sinh ở Truông Bồn- Nghệ An là một trường hợp như vậy. Trong tiếng miền Trung, “Truông” là từ chỉ một đoạn đèo chạy giữa hai bên núi. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km trên dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến độc đạo chiến lược nối liền mạch máu giao thông để Miền Bắc chi viện cho Miền Nam. Không quân Mỹ đã dồn lực đánh phá ác liệt biến Truông Bồn trở thành “tọa độ chết”. Chỉ tính một giai đoạn ngắn 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10/1968), Mỹ ném xuống Truông Bồn gần 3.000 quả bom các loại. TNXP đã cùng các lực lượng khác và nhân dân địa phương xả thân chiến đấu, đảm bảo đường thông suốt. Chính tại đây, các nữ TNXP trong đêm tối đã mặc áo may ô trắng đứng làm cọc tiêu để xe ta qua.
Xúc động trước việc các cô gái TNXP Truông Bồn mặc áo may ô màu trắng ngắn tay, phần thưởng quý giá giành được trong phong trào thi đua, đứng bên đường để làm cọc tiêu những đoàn xe ra trận, nhà thơ Quang Huy đã viết trong những năm tháng ác liệt đó: “ Ngoằn ngoèo lượn những đường bom/ Đoàn xe lao đỉnh Truông Bồn giữa khuya/ Hố sâu hun hút bốn bề/ Màn đêm thăm thẳm như che mắt nhìn/ Bỗng từ đâu vụt hiện lên/ Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng lòa/ Giật mình anh lái trông ra/ Ôi em thức dậy bao giờ ra đây?/ Xe anh đi giữa đêm dày/ Em ra mở lối cho ngày sáng lên/ Sững sờ tay vẫy trong đêm/ Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương”.
Thất bại trên các chiến trường, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 10/11/1968. Chỉ không đầy một ngày trước thời điểm đó, ngày 31/10/1968, 13 TNXP (11 nữ, 2 nam) thuộc tiểu đội 2 của Đại đội 317, Đội 6, Tổng đội TNXP Nghệ An chống Mỹ đã cùng nhau ngã xuống trong một trong những trận bom ác liệt cuối cùng của địch tại Truông Bồn.
Hầu hết những người hi sinh đều đã hoàn thành nhiệm vụ, tối hôm trước họ đã làm lễ ra quân, 5 người đã có quyết định đi học trung cấp y tế, 2 người đã định ngày cưới... Thế nhưng, trận bom vào lúc 6h10 phút sáng hôm đó đã vĩnh viễn chôn vùi tuổi thanh xuân của 13/14 người trong tiểu đội. Chỉ còn duy nhất tiểu đội trưởng Trần Thị Thông được đồng đội kịp thời cứu thoát vì khẩu súng của chị trồi lên trong đất cát. Còn lại có bảy liệt sĩ Truông Bồn không tìm thấy thi hài. Hiện tại Truông Bồn có một ngôi mộ chung cho họ.
Nhiều hoạt động tri ân ngày 27/10
Ngày 12/1/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định công nhận Truông Bồn là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tiểu đội 2 gồm 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn (13 người đã hy sinh, 1 người còn sống).
UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn để ghi mãi chiến công của TNXP, tri ân và tôn vinh sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Công trình sẽ được khởi công vào sáng ngày 27/10/2012, đồng thời với việc khởi công Dự án nâng cấp đường 15. Tổng mức đầu tư: 175,4 tỷ (Một trăm bảy mươi lăm tỷ, bốn trăm triệu đồng). Đồng thời, sáng 27/10 tại TP. Vinh cũng sẽ khai trương đường bay Vinh- Đà Nẵng.
|
Đài tưởng niệm các liệt sỹ Chuông Bồn |
Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn, nhân dịp khởi công các công trình đầy ý nghĩa trên, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài TH Việt Nam chỉ đạo UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài TH Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn, Huyền thoại và Tri ân. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27/10/2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, tái hiện một thời đạn lửa trên con đường 15A và điểm nhấn là Truông Bồn.
Tại cuộc giao lưu sẽ có các nhân chứng như nhà báo Thanh Phong, phóng viên báo Nhân Dân thường trú ở Nghệ An những năm Khu Tư bời bời bom Mỹ và chính trong buổi sáng định mệnh đó, anh là người trong cuộc. Ngoài ra là người duy nhất còn lại, tiểu đội trưởng Trần Thị Thông và các TNXP Nghệ An. Điều đặc biệt, chương trình giao lưu con có được những thước phim tư liệu của các nhà quay phim Đức thực hiện trong những ngày tháng ác liệt đó…
Chương trình nhằm tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ và kêu gọi các nhà tài trợ và nhân dân cả nước, chung tay cùng Nghệ An xây dựng khu di tích lịch sử đã đi vào huyền thoại này ...
Nguyệt Thương