Huyền thoại Lâm Trung Trại (Kỳ cuối): Mái chùa trăm năm sưởi ấm anh linh nghĩa sĩ

Bửu Hưng tự hơn trăm năm hương khói 9 vị anh hùng Lâm Trung trại.
Bửu Hưng tự hơn trăm năm hương khói 9 vị anh hùng Lâm Trung trại.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ là nơi hương khói cho 9 vị anh hùng Lâm Trung Trại hi sinh thời kháng chiến chống Pháp, Bửu Hưng Tự sau này trở thành một cơ sở cách mạng giữa lòng thành phố Biên Hòa, là nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai.

* Huyền thoại Lâm Trung Trại (Kỳ 2): Khí phách của những vị anh hùng thà chết không chịu khuất phục

* Huyền thoại Lâm Trung Trại (Kỳ 1): Nơi nghĩa sĩ nông dân đứng lên chống Pháp

Nối tiếp truyền thống cách mạng

Năm 1920, tại chỗ ngôi miếu cô hồn tranh tre nứa lá, một đường ray xe lửa được xây dựng để chở đá khai thác từ núi Lò Gạch (Long Ẩn). Miếu được dời qua hướng Tây, nơi đầu con dốc có địa thế cao hơn. Tại vị trí mới, ngôi chùa được xây dựng bằng ngói, do một tu sĩ trong thôn đến trụ trì, đặt thiền hiệu là Bửu Hưng Tự. Đó cũng chính là vị trí ngôi chùa bây giờ.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bửu Hưng Tự là một trong những địa điểm bí mật với nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Biên Hòa. Việc chọn chùa làm nơi họp bí mật lúc bấy giờ có nhiều mục đích, vừa là để tiếp thêm lửa cho các chiến sĩ cách mạng, vừa có thể đảm bảo được sự an toàn trong quá trình họp bàn triển khai nhiệm vụ đấu tranh giành chính quyền.

Tại đây, vào tháng 6/1945, diễn ra hội nghị cán bộ Đảng nhằm đề ra phương hướng, kế hoạch, thành lập Ủy ban khởi nghĩa để tiến tới giành lấy chính quyền trong toàn tỉnh Đồng Nai. Thời gian họp vào lúc 19 giờ tối ngày 3/6/1945. Dự cuộc họp có 8 đồng chí, tại một phòng nhỏ phía sau của chùa. Cuộc họp do đồng chí Hoàng Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa lúc bấy giờ, chủ trì, kéo dài khoảng 2 tiếng trong không khí bí mật, trang nghiêm.

Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền; thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Hoàng Minh Châu đứng đầu để lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lấy chính quyền.

Đây là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa sau mấy chục năm bền bỉ chiến đấu chống ách thống trị của thực dân, phong kiến. Chính vì gắn liền với những huyền thoại, sự kiện trọng đại mang ý nghĩa lịch sử to lớn, năm 1979, Bửu Hưng Tự đã được xếp hạng là Di tích lịch sử Cách mạng cấp tỉnh.

Chùa quy mô nhỏ nhưng thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời.

Chùa quy mô nhỏ nhưng thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời.

Ni sư Diệu Minh, trụ trì Bửu Hưng Tự suốt mấy mươi năm qua cho biết, chùa Cô Hồn có thời gian bị xuống cấp vì nhiều yếu tố tác động. Năm 1967, Thượng tọa Thích Thiện Nguyệt đã cho sửa chữa toàn bộ phần chánh điện, đặt tượng phật Di lặc và tượng Quan âm ở phía trước chùa. Năm 1999, Ni sư Diệu Minh cho tu bổ nhà giảng, xây dựng miếu ngũ hành, miếu thờ Địa Mẫu và phòng nghỉ của tăng, ni tạo nên diện mạo khang trang như ngày nay.

Do chùa được xây dựng trên nền tảng miếu thờ nên diện tích khiêm tốn, nằm lặng lẽ trên con phố Phan Đình Phùng sầm uất. Nhìn từ bên ngoài vào, chùa hiện lên với những hình ảnh giản dị, với cái cổng lớn cao chừng 3m, xây bằng xi măng, trên đó đề 2 hàng chữ: “Hưng Quang phổ chiếu minh đăng kiên tánh hiển tâm quang – Bửu Địa khai hoa diệu lý trũng tâm dương Phật địa”.

Phía trên cổng treo một tấm bảng để hàng chữ lớn “Bửu Hưng tự”. Cái tên Bửu Hưng ra đời tính đến nay cũng đã trăm năm, nhưng cũng như nhiều ngôi chùa khác ở đất Đồng Nai, cái tên thường gọi gắn liền với gốc tích vẫn được dân gian lưu truyền, song song với tên chữ. Bây giờ, nhiều người dân Biên Hòa như một thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ, vẫn gọi là chùa Cô hồn.

Chùa được xây theo kiểu khối nhà vuông (nhà tứ trụ hay dân gian còn gọi là nhà mái bánh ít) truyền thống nối dài liền nhau có dạng chữ “nhị” gồm: chánh điện, nhà giảng, nhà bếp. Bộ khung sườn của chùa được làm bằng các gây gỗ quý như căm xe, gỗ đỏ; tường xây gạch thẻ, mái lợp ngói vảy cá, nền chùa lót gạch bông. Gian chánh điện được bày trí hệ thống tượng thờ Phật khá phong phú, phía trên bàn thờ chính được tôn cao tạo nên khoảng lầu trống thông thiên.

Ngày nay, ngôi chùa gần như vẫn giữ nguyên hình trạng ban đầu, sân chùa có cây bồ đề được sư trụ trì Diệu Minh trồng từ nhiều năm về trước. So với các ngôi chùa ở Biên Hòa, chùa Cô hồn có quy mô nhỏ, tuy nhiên di tích này thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời, vừa gìn giữ Phật pháp, vừa ghi nhớ công lao những người con xả thân vì đất nước.

Là một địa danh gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử nên Bửu Hưng Tự có rất nhiều tương truyền về sự linh thiêng, nhiều người dân địa phương, thậm chí là khách ngoài tỉnh, tìm đến đây hành lễ gửi gắm ước nguyện về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bao năm qua, cửa chùa luôn rộng cửa tiếp đón người dân, phật tử gần xa đến dâng hương, tìm hiểu về chùa.

Theo Ni sư Diệu Minh cho biết, trước đây, phía sau tượng Phật Quan Âm đối diện cổng chính có 3 ngôi miếu nhỏ xây bằng gạch, mái lợp tôn. Trong đó có miếu Bà, miếu Ngũ hành nương nương, và miếu “Cô hồn” – nơi thờ linh hồn các chiến sỹ hi sinh trong chiến tranh nói chung, những oan hồn uổng tử không nơi thờ tự. Cách đây vài năm, chùa tiến hành xây dựng lại một miếu thờ mới kiên cố với 3 gian thờ như hiện tại.

Gian thờ cô hồn chiến sĩ quanh năm ấp áp khói hương bởi bàn tay chăm chút của những đệ tử ở chùa và người dân địa phương, khách tham quan. Tuy nhiên, với những dòng chữ Hán và hai dòng chữ tiếng Việt “Cô quốc vong gia chơn kiệt sĩ – Hồn thân báo thể thị anh hùng” khắc tại đây, mà không có thông tin hay lý giải gì thêm, có thể nhiều người, đặc biệt là những du khách phương xa, sẽ bỏ lỡ mất những câu chuyện ý nghĩa đằng sau liên quan đến gốc tích ngôi chùa.

Nhiều ý kiến cho rằng với tầm vóc của những anh hùng nghĩa sĩ Lâm Trung Trại trong lòng nhân dân, được xem như anh hùng “Lương Sơn Bạc” của đất Biên Hòa trăm năm trước, cần thiết có những chỉ dẫn tại chùa về nơi thờ tự 9 vị anh hùng. Cũng như các công trình nghiên cứu xứng tầm, tài liệu giới thiệu về quá trình hình thành, hoạt động của Lâm Trung trại, cho khách đến thăm chùa cũng như những ai muốn tìm hiểu về tổ chức hội kín anh hùng này.

Nơi ấm áp tình người

Từ ngày xây dựng cho đến nay, Bửu Hưng tự đã trải qua nhiều đời sư trụ trì, tuy nhiên vị sư đầu tiên không thấy sử sách ghi chép lại. Chỉ từ năm 1965 đến nay đã qua các trụ trì sau: thầy Thích Viên Đức, Thượng tọa Thích Thiện Nguyệt, thầy Thích Quảng Châu và Ni sư Diệu Minh.

Ni sư Diệu Minh, thế danh Lê Thị Cúc, sinh năm 1941 tại tỉnh Hải Dương. Trước khi xuất gia Ni sư tham gia học châm cứu, cắt giác và dần ngộ ra rằng: dòng đời là bể khổ trầm luân, chỉ có con đường xuất gia làm đệ tử Phật mới giải thoát được bản ngã của con người trần tục, cứu khổ cứu nạn chúng sanh thoát bể khổ. Năm 1964, Ni sư xuất gia, tu học và thọ pháp với Hoà thượng Thích Thiện Nguyệt và đã gắn bó với Bửu Hưng Tự hơn 60 năm qua.

Từ ngày xuất gia, Ni sư Diệu Minh hiến dâng cả cuộc đời mình nơi cửa Phật, làm tròn bản ngã người chân tu. Nối tiếp truyền thống của các vị Tổ sư trước, sau ngày giải phóng miền Nam (1975), Ni sư Diệu Minh cùng các ni giới, phật tử trong chùa tiếp tục phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, tích cực hoạt động từ thiện, quyên góp giúp đỡ hội người mù, nuôi nấng trẻ mồ côi và thường xuyên tổ chức các chuyến cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt ở miền Trung.

Ni sư Diệu Minh cho biết, suốt chục năm qua, chùa tổ chức hoạt động phát cơm từ thiện. Vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần là chùa phát cơm từ thiện cho những hoàn cảnh khốn khó, một ngày chùa có thể phát từ vài chục đến cả trăm suất cơm. Sư trụ trì chia sẻ, năm nay sư đã 82 tuổi, sức khỏe khá yếu, mấy tháng trước bị bệnh tim phải nhập viện điều trị tại TP HCM. Tuy nhiên, khi vừa trở về chùa thì sư cùng mọi người lại tiếp tục hoạt động phát cơm từ thiện.

Dù chỉ là ngôi chùa nhỏ, nhưng nơi đây đã giúp đỡ, động viên không biết bao nhiêu cảnh đời cơ nhỡ, người già neo đơn, trẻ mồ côi và những phận đời bất hạnh. Với những đóng góp nghĩa tình suốt bao nhiêu năm qua, Bửu Hưng tự đã được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, UBND phường Quang Vinh nhiều lần tuyên dương, khen tặng danh hiệu.

Hàng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng tư, tháng bảy, chùa Bửu Hưng lại tổ chức lễ cầu an cho bá tánh và cầu siêu cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ theo nghi lễ Phật giáo cổ truyền phái Lục Hòa Tăng, thu hút đông đảo các phật tử gần xa và nhân dân địa phương về chiêm bái, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, biến nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.