Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT -XH), thời gian qua, huyện Hải Lăng đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Qua đó, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Theo kết quả thống kê trên hệ thống “một cửa điện tử”, trong năm 2023, huyện Hải Lăng đã tiếp nhận 21.882 hồ sơ (155 hồ sơ đang giải quyết, 21.727 hồ sơ đã giải quyết). Trong đó giải quyết sớm và đúng hạn 21.727 hồ sơ, đạt tỉ lệ 100%; không có hồ sơ quá hạn.
Riêng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện đã tiếp nhận 1.279 hồ sơ (114 hồ sơ đang giải quyết, 1.183 hồ sơ đã giải quyết), giải quyết trước và đúng hạn 1.183 hồ sơ, đạt tỉ lệ 100%. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trực tuyến trong năm là 14.112 hồ sơ, đạt tỉ lệ 64,5%, trong đó cấp huyện là 838 hồ sơ, cấp xã là 13.274 hồ sơ.
Tổng số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 333 thủ tục (cấp huyện 212, cấp xã 121); trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 170 thủ tục (cấp huyện 110, cấp xã 60); dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 163 thủ tục (cấp huyện 102, cấp xã 61).
Bám sát các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về công tác cải cách hành chính và tình hình thực tiễn địa phương, huyện tập trung thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng, mục tiêu của nhiệm vụ này trong cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có TTHC đều đã thành thạo và thực hiện cập nhật xử lý các bước trong giải quyết TTHC trên hệ thống “một cửa điện tử” tỉnh Quảng Trị. Công tác tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được triển khai thực hiện. 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng; 100% văn bản đi, đến được tiếp nhận và phát hành trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Mặt khác, huyện còn đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã được trang bị máy tính; 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã có mạng nội bộ LAN và internet. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giáo dục, y tế, tài chính, thuế, ngân hàng... đã được đầu tư trang bị khá tốt, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng “một cửa điện tử” cũng được huyện triển khai hiệu quả đến 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tại địa chỉ https://motcuadientu.quangtri.gov.vn, đã được tích hợp kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giải quyết TTHC và công việc hành chính.
Để đạt được những kết quả trên, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số; xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo lãnh đạo huyện Hải Lăng, thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, DN và người dân. Đẩy mạnh phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ về nhân lực chuyển đổi số;
Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư, đối xử khách quan, công bằng, bình đẳng đối với các doanh nghiệp.
Huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng dứt khoát, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm;
Nghiên cứu, rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện nghiêm việc thu thập ý kiến đánh giá của tổ chức, công dân khi tham gia giải quyết TTHC thông qua mẫu phiếu đánh giá tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn và thực hiện đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh.
Đồng thời, huyện tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.