Là những hộ dân đến và làm ăn sinh sống đầu tiên tại cửa khẩu Lệ Thanh. Khi UBND tỉnh Gia Lai đầu tư nâng cấp lên thành cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, người dân được xét ưu tiên cấp đất để kinh doanh buôn bán. Thế nhưng…
Tháng 10/1994, gia đình ông Hoàng Hồng Niêm,bà Lê Thị Tuyết (Thị trấn Chư Ty - huyện Đức Cơ – Gia Lai) làm đơn xin Đồn Biên phòng 72l mở quán ăn uống, phục vụ bộ đội, cán bộ hải quan đang công tác tại khu trung tâm thương mại cửa khẩu.
Ngày 25/03/1995, UBND huyện Đức Cơ yêu cầu gia đình bà Tuyết về UBND huyện để ký hợp đồng thuê 100m2 ở khu Trung tâm thương mại cửa khẩu. Mọi thủ tục và tiền thuế bà Tuyết đã thực hiện đầy đủ. Ngày 10/09/1996, Phòng Địa chính huyện Đức Cơ cho phép gia đình bà Tuyết mở rộng diện tích thuê lên thành ba lô đất liên tiếp nhau, diện tích mỗi lô 100m2 với giá 3.000 đồng/m2/năm, thời gian 20 năm, từ 1996 đến 2016. Năm 2000, do sức khoẻ yếu, bà Tuyết làm giấy uỷ quyền và sang nhượng lại cho con gái là chị Hoàng Thị Hương Giang tiếp tục buôn bán trên diện tích đất thuê.
Sau khi cửa khẩu 19 được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, những hộ dân thuê đất hoạt động buôn bán khu vực này bị thu hồi để phục vụ công tác quy hoạch. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân gắn bó lâu năm với khu kinh tế cửa khẩu, ngày 24/10/2005, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo BQL đầu tư và xây dựng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh ưu tiên cho 11 hộ gia đình ở lâu tại địa phương có điều kiện tái đầu tư, kinh doanh tại đây. Thế nhưng, trong danh sách thì hộ bà Tuyết bị gạt ra.
Theo phản ánh của người dân, trong khi một số hộ dân không được ưu tiên thì xuất hiện người thân của một số cán bộ địa phương tham gia đấu giá và nhanh chóng sang tay hưởng tiền chênh lệch; Một số hộ nằm trong số 11 hộ được ưu tiên cấp đất có hộ lại được cấp tới 2 lô; Một số hộ không thuộc diện ưu tiên cũng được cấp 2 lô...
Mặt bằng 3 lô đất do gia đình bà Tuyết thuê. |
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ Hồ Xuân Long cho biết: “Gia đình bà Tuyết khiếu nại đòi quyền lợi là hoàn toàn chính đáng. Nhưng do cán bộ thôn cửa khẩu, xã Ia Dom trước đây khi lập danh sách các hộ thuộc diện ưu tiên để trình lên cấp có thẩm quyền không hiểu tại sao lại loại gia đình bà Tuyết; do mình kiểm tra không kỹ nên mới dẫn đến việc thiếu đất của gia đình bà. Hiện việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể của khu cửa khẩu vẫn chưa xong nên chưa thể cấp đất cho gia đình bà Tuyết được, đến khi nào quy hoạch xong thì chúng tôi sẽ cấp cho gia đình bà một lô đất “tương đối”.
Còn ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh cho biết: Do mới về nên vụ việc của gia đình bà Tuyết không nắm rõ, chỉ nghe cấp dưới phản ánh. Tôi sẽ chỉ đạo cấp dưới tường trình bằng văn bản để có hướng giải quyết. Còn việc cấp đất cho hộ bà Tuyết trong khu 6B3 thì không thể được vì đã cấp cho các hộ khác rồi.
Liên quan đến sự việc trên, UBND huyện Đức Cơ đã 4 lần ra quyết định cưỡng chế đối với thửa đất của gia đình bà Tuyết vì không di dời nhà cửa để giao trả mặt bằng. Bà Tuyết bức xúc: “Bảo gia đình tôi di dời thì phải cấp đất để gia đình buôn bán chứ. Chẳng nhẽ sau khi cưỡng chế tài sản và công việc buôn bán của gia đình đều thực hiện ở ngoài đường hay sao? UBND huyện cũng như BQL dự án yêu cầu gia đình thành lập doanh nghiệp và làm các giấy tờ cần thiết để được thuê đất, gia đình cũng đã làm và nộp cho cơ quan có thẩm quyền nhưng họ im lặng”.
Thiết nghĩ chính quyền cần vào cuộc rốt ráo xử lý khiếu nại của người dân, ổn định tình hình địa phương.
Ngọc Anh