Ngài đi vào Đạo Mẫu như một vị thần
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, với phẩm chất của một con người đầy nghĩa khí, trung hiếu, sau khi Trần Hưng Đạo mất, trong tâm thức người Việt, ông từ một nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc đã hiển thánh, trở thành một vị nhân thần tối linh.
Trải qua hơn 700 năm, truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành khắp nơi trên đất Việt…
Dân gian gọi ngài bằng Đức Thánh bởi truyền thuyết kể rằng ngài là con trời, được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian đầu thai vào dòng dõi hoàng tộc nhà Trần để bình định giặc Nguyên- Mông đang có âm mưu tung vó ngựa viễn chinh hủy diệt loài người.
Và chính ngài bằng văn trị, võ công siêu việt đã hai lần đại phá quân xâm lược Nguyên - Mông, được các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử thế giới theo đề xuất của Hội khoa học Hoàng gia Anh quốc lựa chọn là một trong 10 danh tướng thế giới của mọi thời đại trong đó có một danh tướng còn sống ở thế kỷ XXI là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong hệ thống biểu tượng tâm linh Việt, không ít nhân vật có thật được dân chúng huyền thoại hóa, tôn làm thánh và trở thành đấng quyền năng siêu việt, có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tâm linh của mỗi người. Trong số đó, Đức Thánh Trần (Trần Quốc Tuấn) là nhân vật đã gia nhập Tứ Phủ và trở thành chư vị thần thánh giúp dân thoát khổ, thoát nạn.
Theo truyền thuyết về Đức Thánh Trần thì ông là con của Đức Long vương Bát Hải Đại Vương cai quản vùng sông nước. Do dân chúng gặp kiếp nạn mà đầu thai vào Trần Quốc Tuấn để cứu dân khỏi nạn giặc ngoại xâm, giết người, cướp của.
Đức Thánh Trần “được đặt riêng một phủ Trần Triều. Về hàng bậc, có lúc Ông được đồng nhất với Vua Cha trong đối sánh với Thần Mẹ, ngày giỗ và lễ hội kèm theo của Ông cũng đồng nhất với ngày giỗ Cha “tháng Tám giỗ Cha” cùng với Bát Hải Đại Vương. Nơi thờ Ông ở Kiếp Bạc, có ngọn núi xèo rộng ra ôm lấy thung lũng trước mặt ngôi đền là núi Nam Tào và Bắc Đẩu.
Tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng Tp. HCM |
Như vậy trong tâm thức dân gian, nghiễm nhiên Ông được coi như là Ngọc Hoàng, một Vua Cha cao hơn, bên trên cả Thánh Mẫu.
Tuy nhiên, không giống như Vua Cha Ngọc Hoàng hay Vua Cha Bát Hải, các vị chỉ ngự trên điện thần chứ không giáng đồng, các Thánh hàng Mẫu cũng chỉ giáng chứ không nhập đồng, còn Đức Thánh Trần và một số thuộc hạ của Ông thì lại giáng đồng chuyên để trừ tà, cứu chữa con bệnh, tạo nên hẳn một dòng Thanh đồng phân khác với hình thức hầu đồng của dòng đồng cốt thờ Mẫu.
“Trong thứ tự giáng đồng của những người có căn Trần Triều thì thường là sau khi Mẫu giáng, và trước các vị Thánh hàng Quan. Đấy là chưa kể hình thức lên đồng để trừ tà thường diễn ra trong dịp lễ tiết của Đức Thánh Trần ở những nơi thờ tự chính của Ông”, theo sách “Đạo Mẫu Việt Nam”.
Ngoài ra, việc Đức Thánh Trần được người dân đặt vai trò như một đạo sĩ đã gây ra sự khó hiểu trong cộng đồng. Bởi ông xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, thân làm tướng, thống lĩnh ba quân, đánh Đông, dẹp Bắc, phong thái uy nghi và chỉ tương xứng với những việc cao quý, hợp với đấng quân vương.
Còn công việc xua đuổi ma tà, quỷ quái thuộc về các đạo sĩ, những nhân vật thường có thân phận thấp bé trong xã hội. Nhưng ở đây, Đức Thánh Trần lại đóng vai của một bậc hạ lưu. Tại sao vậy?
Cố GS Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra rằng: “Thời nhà Trần, bên cạnh đạo Phật, Đạo giáo khá thịnh hành, nhiều người thuộc giới quý tộc, hoàng thân cũng là những đạo sĩ, tín đồ đạo giáo, trong đó có Trần Hưng Đạo. Từ sau khi chiến thắng giặc Nguyên, Mông, được phong vương, Ông quay trở về sống ở Kiếp Bạc, vui thú với cảnh sắc thiên nhiên, làm thuốc chữa bệnh cứu người.
Huyền thoại về việc Ông dùng ma thuật để trừ tà Phạm Nhan chỉ là sự lịch sử hóa, huyền thoại hóa một thực tế Ông là một thầy thuốc có tài chữa bệnh hậu sản, bệnh của phụ nữ. Vả lại, trong dân gian, việc chữa bệnh bằng thuốc luôn đi liền với các hành động có tính ma thuật.
Bởi vậy, sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, danh tiếng và uy tín của Ông đã được huyền thoại hóa, khoác ra ngoài cái vỏ tín ngưỡng và lưu truyền mãi về sau, cho tận tới ngày nay”.
Đồng thời, cố GS Trần Quốc Vượng cũng giải mã những điều kỳ lạ khi đặt Đức Thánh Trần ngang hàng với vua cha là Bát Hải Đại Vương. Đó là bởi cuộc đời của Trần Quốc Tuấn gắn liền với những chiến công oanh liệt ở sông nước, ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông thu phục giang sơn về một mối... Cho nên, người dân coi ông như một vị thần cai quản miền sông nước là điều dễ hiểu.
Và “ Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”
Ngày nay khi vãn cảnh bất kỳ ngôi chùa nào ta cũng thấy có điện thờ Mẫu, thờ Thánh gọi là những ngôi đền (khác với đình thờ Thành hoàng và chùa thờ Phật).
Đây cũng là những nét độc đáo của nền văn hóa tâm linh mang bản sắc Việt Nam, tiêu biểu là hai ngôi đền: Đền Kiếp Bạc (thờ cha) và Đền Phủ Giầy (thờ mẹ) thỏa mãn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ của nhân dân ta nói chung và của những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung.
Theo GS Thịnh, thờ Mẫu coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, sự che chở trong cuộc sống. Tục thờ Mẫu xác lập một nhân sinh quan tín ngưỡng của người Việt hướng về đời sống trần thế, đó là cầu mong sức khỏe, tiền tài, phúc lộc. Sự đan kết giữa tín ngưỡng thờ Thánh Cha Trần Hưng Đạo với tín ngưỡng thờ Thánh Mẹ Liễu Hạnh ngày càng chặt chẽ. Biểu hiện là bất cứ nơi nào có đền, điện thờ Thánh Mẫu thì đều có sự hiện diện của ban thờ Đức Thánh Trần.
Ngược lại, việc thờ Thánh Mẫu cũng ngày một thường xuyên hơn trong điện thờ Đức Thánh Trần, tạo nên cặp bài trùng Thánh Cha-Thánh Mẹ có một không hai trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam. Câu ca “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ” từ lâu đã ăn sâu trong tâm thức người Việt.
Cơ sở đầu tiên dẫn đến sự hội nhập, đan cài này là về loại hình cả hai đều là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa (thờ tổ tiên, người có công) với những ảnh hưởng của đạo giáo dân gian. Ngoài ra, trong tâm thức dân gian người Việt, Đức Thánh Trần hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều là các vị thần thánh được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian để tiêu trừ ma tà, dịch bệnh, cứu giúp chúng sinh, bảo vệ giang sơn xã tắc.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần cùng có giá trị nhiều mặt về nhận thức thế giới và nhân sinh, về củng cố và tăng cường chủ nghĩa yêu nước, về văn hóa nghệ thuật thông qua tục nhập đồng các vị thánh, qua lễ hội và phong tục, qua kiến trúc và điêu khắc.
GS. TS Ngô Đức Thịnh cũng nhấn mạnh: Đạo Mẫu được coi là một tín ngưỡng thể hiện rõ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều đó thể hiện rõ nhất trong các vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ.
Hầu hết các vị thần này đều là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa, ví dụ như Đức Thánh Trần trong Đạo Mẫu đó chính là Trần Hưng Đạo. Vấn đề tôn thờ dân tộc, gắn với dân tộc đã được thể hiện rất rõ trong tín ngưỡng thờ các vị thần của đạo Mẫu.
Do đó, đạo Mẫu chính là người mẹ gắn với dân tộc. Và một khi lòng yêu nước trở thành một tín ngưỡng của dân tộc thì sức mạnh của nó sẽ ghê gớm đến nhường nào. Đây cũng chính là cái hay của Việt Nam mà được quốc tế ca ngợi “lòng yêu nước, gắn với vấn đề tín ngưỡng”.