Mặc dù giếng Ngọc Lâu vẫn được người dân bản Khộp sử dụng để lấy nước sinh hoạt, tắm giặt hàng ngày nhưng tất thảy mọi người đều gọi giếng đó là giếng thần và nước giếng là nước thiêng.
Nói về sự linh thiêng của giếng thần, cụ Bùi Văn Beo, nhà ngay cạnh giếng cổ cho biết: “Sở dĩ giếng có nhiều chuyện linh thiêng, huyền bí là do khúc gỗ đó. Lạ thay, khúc gỗ ngâm dưới bùn mà không hề bị mối mục, nó cứng như sắt thép và đã nằm dưới đáy giếng cả nghìn năm nay rồi”. Chính cụ Beo cũng không hiểu tại sao khúc gỗ ấy lại nằm dưới đáy giếng và có liên quan đến mạch nước của giếng thần đến như vậy.
Cụ chỉ biết rằng, giếng được tạo thành từ một câu chuyện mà cha ông hay kể lại: “Khúc gỗ dưới đáy giếng là cành của cây nhội. Theo truyền thuyết thì gốc của nó ở cánh đồng Nà Cả trên xóm Điện xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), cách bản Khộp gần chục cây số về hướng Tây Bắc. Đó là một cây Nhội lớn, tán lá che phủ 3 xã vùng cao ở Lạc Sơn này.
Trong vùng lại có hai anh em, người em ở bản Khộp làm ăn khấm khá, người anh ở xóm Điện ghen tức nên chặt cây nhội đi. Cành cây nhội đổ trúng nhà người em và tạo thành cái giếng và khúc gỗ dưới đó là phần còn lại của cây nhội ấy”. Nhưng kể cũng lạ, khúc gỗ ngâm dưới nước bao nhiêu đời nay mà vẫn không hề mục ruỗng.
Ông Bùi Văn Huy lý giải: “Gỗ lim mà ngâm xuống nước cũng sẽ bị mục ruỗng nhưng người bản Khộp đều biết khúc gỗ kỳ lạ kia đã nằm dưới đáy giếng cả bao nhiêu đời mà vẫn cứng như thép. Rìu và dao rựa chặt vào đều bị mẻ mà khúc gỗ vẫn không hề trầy xước”.
Tưởng nước giếng thần sẽ không bao giờ cạn nhưng một chuyện khiến cả bản Khộp phải hoảng loạn xảy ra vào năm 1996. Năm ấy, tổ chức UNICEF hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình nước sạch phục vụ cộng đồng ở các xã vùng cao, trong đó có xã Ngọc Lâu. Địa điểm giếng nước thần là một trong những điểm nằm trong bản quy hoạch nạo vét. Để thực hiện việc đó, người ta phải trục vớt tất cả bùn đất và mọi thứ nằm dưới đáy giếng.
Trong bản Khộp có ông Bùi Văn Lơ là người được giao nhiệm vụ trục vớt khúc gỗ ấy lên. Ông Lơ cùng mấy trai bản khỏe mạnh dùng dây thừng, đòn dài và phải vất vả cả ngày mới đưa khúc gỗ nhội ấy lên được trên bờ.
Thật kỳ lạ, chỉ một đêm mà dưới giếng không còn một giọt nước nào. Tất cả khu vực xung quanh biến thành “hoang mạc”. Đất đai quanh giếng trở nên khô nứt nẻ và nhiều hiện tượng kỳ lạ khác xảy ra ngay hôm ấy. Tất thảy người dân bản Khộp đều kinh hoàng vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, họ chưa từng chứng kiến hiện tượng giếng thần cạn nước. Không chỉ vậy, bầu trời ở bản Khộp hôm đó trở nên u ám khác thường, người dân trong bản đều cảm thấy nôn nao khó chịu trong người, trẻ em khóc thét cả ngày không ai dỗ được…
Cả bản hoảng loạn, không ai dám nói với ai câu nào, họ chỉ biết đứng như mất hồn trước miệng giếng mà nhìn. Lo sợ có điều chẳng lành, các cao niên trong bản mới họp nhau lại và quyết định vứt khúc gỗ ấy xuống giếng. Ngay lập tức, các tia nước bắn lên và chỉ một lúc sau mọi chuyện trở lại bình thường. Người bản Khộp thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, dự án cải tạo giếng thần vẫn phải thực hiện. Để tránh mọi chuyện bất trắc xảy ra, người dân bản đã mời thầy Mo Mường về làm lễ rất chu đáo và trai làng được lệnh vớt khúc gỗ ấy lên.
Và một lần nữa, sau khi khúc gỗ được đặt trên bờ, nước giếng lại bắt đầu cạn không còn một giọt nhưng những chuyện gây hoang mang như lần trước không xảy ra nữa. Từ ngày đó đến nay, người dân bản địa càng tin vào sự linh thiêng kỳ lạ của giếng thần.
Chúng tôi đã cố gắng đi tìm nguyên nhân giải mã bí ẩn về khúc gỗ ấy nhưng tất cả người bản Khộp đều lắc đầu không biết tại sao. Cuối cùng chúng tôi lại phải tìm đến cụ Bùi Văn Én, cụ Én cũng chỉ nhớ mang máng về một lời nguyền đã từ lâu lắm rồi.
Đó là lời nguyền liên quan đến đến việc giữ rừng, giữ nước của người Mường thời xưa. Tuy nhiên theo cụ Én, lại có một câu chuyện khác mang tính thần linh nhưng được nhiều người tin hơn cả. Rằng khúc gỗ ấy là vật trấn yểm của thầy pháp sư sau khi đánh nhau với ma rừng. Đó là một phần của cây gậy thần mà vị pháp sư đã dùng để đánh đuổi ma rừng để cứu người bản Khộp. Khúc gỗ ấy được trấn yểm dưới đáy giếng cùng với một lời nguyền bí ẩn nhằm khơi long mạch cho người bản Khộp được tắm rửa tránh ma tà. “Chính vì thế mà cả nghìn năm nay, khúc gỗ ấy mới không bị mục ruỗng”, cụ Én lý giải.
(Kỳ cuối: Lời đồn ma quái và tục tắm tiên kì lạ ở bản Khộp)