Không có biển cấm hút thuốc lá… nên vẫn hút
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định rõ những địa điểm cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao…. Tuy nhiên, 6 năm đi vào thực tiễn, việc hút thuốc lá tại bệnh viện vẫn diễn ra một cách công khai mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Đi một vòng quanh khuôn viên Bệnh viện Nhi Trung ương, phóng viên bắt gặp rất nhiều người nhà bệnh nhân ngồi hút thuốc lá trên ghế đá bệnh viện. Dưới những gốc cây, cảnh mẩu tàn thuốc vương vãi chi chít. Khói thuốc bay nghi ngút khiến nhiều người ngồi cạnh nhăn mặt khó chịu. Tuy nhiên, vì không ai lên tiếng nhắc nhở nên người hút vẫn hút, người ngửi vẫn cứ phải ngửi.
Khi phóng viên tỏ ý hỏi một người đàn ông đang ngồi hút thuốc rằng anh ta có biết bệnh viện có quy định cấm hay không, thì người này đáp lại: “Tôi chăm con mấy ngày ở viện, không được nghỉ ngơi tử tế, nên tôi tranh thủ giờ vắng bệnh nhân, ra sân hút điếu thuốc cho tỉnh táo... Mà chỗ này rất xa phòng bệnh, cũng không có biển cấm hút thuốc lá nên hút tí cũng chẳng ảnh hưởng gì”.
“Đâu phải mỗi người bệnh với thân nhân hút thuốc. Trên thực tế tôi thấy đầy nhân viên y tế cũng nghiện thuốc lá, mà đã nghiện thuốc rồi thì rất ít người có thể minh mẫn làm việc được khi mệt mỏi. Kiểu gì họ cũng sẽ tìm chỗ khác để hút mà không để ai bắt gặp, như vậy là vẫn hút trong viện. Thay vì cứ cấm đoán, mỗi bệnh viện cần nới lỏng luật, xây dựng riêng một phòng để cho những người có nhu cầu có thể hút mà không ảnh hưởng tới người khác”, một người đàn ông khác đang hút thuốc lá cho hay.
Đưa người thân đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị N. T. T (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Bệnh viện là nơi nhiều người già, trẻ nhỏ, những người bệnh tật, mà không hiểu sao nhiều người vẫn hút được ở đây. Bình thường, hút ở nơi công cộng đã là bất lịch sự rồi, đến bệnh viện hút thì đúng là vô ý thức”.
“Tôi đã đi một số viện, cũng thấy có người đi kiểm tra nhắc nhở và mời ra khỏi khuôn viên bệnh viện khi bắt gặp trường hợp hút thuốc. Nhưng chỉ dừng lại ở răn đe thôi thì không thể ngăn chặn triệt để được tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Theo tôi, mỗi bệnh viện cần có biện pháp xử phạt thật mạnh và nghiêm thực sự” – chị T nói thêm.
Khó khăn trong kiểm soát và quản lý
Hiện tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc, nhưng trên thực tế tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện chỉ mới giảm chứ chưa chấm dứt hoàn toàn. Tùy vào từng cơ sở y tế, có giảm cũng chỉ giảm tình trạng người dân hút thuốc công khai ở hành lang, ghế chờ mà di chuyển ra ghế đá khuôn viên bệnh viện, những nơi không có biển cấm.
Trong thời gian qua, các bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, đặt biển cấm, thành lập các đội đi kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao ý thức của người bệnh, thân nhân hay chính cán bộ, nhân viên y tế, nhưng chưa thực sự hiệu quả cao.
Tại buổi gặp mặt báo chí “Cung cấp thông tin y tế”, do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 4/6/2019 ở Hà Nội, theo ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh), quy định cấm hút thuốc lá trong bệnh viện đã có quy định rõ trong luật, ngành y tế cũng ban hành nhiều chỉ thị về vấn đề này. Trong bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có điểm bệnh viện không khói thuốc trong tiêu chí. Tuy nhiên, mấy bệnh viện lớn rất ít khi được điểm, điều này thể hiện có quy định luật nghiêm nhưng việc thực thi luật không nghiêm.
Đơn cử như trường hợp của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này quy mô rộng lớn, nhiều vị trí khó kiểm soát việc hút thuốc của người nhà người bệnh. Hơn nữa, lượng ra vào bệnh nhân một ngày lên đến 30 - 50 nghìn người, không ít người nghiện thuốc lá. Để xảy ra tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện là do việc kiểm soát, việc xử phạt chưa được thực thi nghiêm ở bệnh viện.
Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cũng cho rằng, xử phạt hút thuốc ở nơi công cộng khó khăn, do lực lượng đi xử phạt còn mỏng, Thanh tra y tế phải hoạt động ở nhiều lĩnh vực, lực lượng thanh tra mỏng. Khi giao quyền cho chính quyền địa phương thì họ lại không chuyên tâm về thuốc lá.
Để khắc phục tình trạng này, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Y tế cũng đưa ra một số dự kiến nhằm tăng cường sự quan tâm, quản lý sát sao của các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên y tế đối với việc ngăn chặn người dân hút thuốc lá tại các bệnh viện.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế đã khẳng định: “Giai đoạn đầu để thực hiện xanh – sạch – đẹp, chúng tôi đưa nội dung bệnh viện không khói thuốc vào cộng điểm tăng khuyến khích hỗ trợ đơn vị nâng cao tính tuân thủ pháp luật. Nhưng nếu tình trạng như hiện nay, tới đây, chúng tôi dự kiến đưa nội dung này ra khỏi tiêu chí cộng điểm, đưa trở thành tiêu chí cứng bắt buộc, đưa vào nội dung bệnh viện thân thiện môi trường – tiêu chí cứng có đạt yêu cầu mới xét các tiêu chí tiếp theo, nếu không đạt thì loại luôn”.
Trước đó, trong các tiêu chí đánh giá cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp” (Ban hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2016) có 6 nội dung chính để tính thang điểm 100 điểm, bao gồm: nội dung xanh, nội dung sạch, nội dung quản lý chất thải, nội dung đẹp, nội dung về tổ chức triển khai, nội dung cộng điểm. Và tiêu chí - thực hiện cơ sở y tế “Không khói thuốc lá” hiện đang nằm trong phần cộng điểm và chỉ chiếm 1 điểm trong tổng số 5 điểm của nội dung này.