Theo cuộc mưu sinh, thanh niên cả nước đổ dồn về các đô thị công nghiệp phát triển: Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… làm việc, sinh sống, dẫn đến việc kết hôn không còn gói gọn trong phạm vi một tỉnh, một làng như ngày trước.
Cảnh đôi vợ chồng mới cưới còn mắc cỡ, kẻ trước người sau cách vài chục thước đi bộ về nhà vợ nhà chồng để làm rể hay phải bái như ngày xưa hầu như không còn nữa. Tình yêu không có ranh giới nên nhiều đôi vợ chồng quê quán cách nhau hàng trăm, thậm chí cả ngàn cây số.
Đất nước dài, ít tàu hỏa, máy bay
Do hình thể đất nước Việt cong cong hình chữ S kéo dài mà tình trạng giao thông kém phát triển, xe lửa chậm và thiếu, máy bay vừa ít vừa đắt, xe đò dù có tăng chuyến vẫn không đủ chỗ … nên với nhiều cặp vợ chồng, việc về quê chồng quê vợ trong một cái tết là một cuộc chạy đua hụt hơi. Mỗi người một cảnh, không ai giống ai, phải trải nghiệm mới thấm cái mệt của chuyện về quê ăn tết.
Không phải chờ đến tháng chạp mà ngay từ tháng 10, tháng 11 dương lịch, đã phải săn vé máy bay, vé tàu hỏa về tết. Năm 2017 này, mới cuối tháng 10 các vé tàu hỏa về miền Trung, miền Bắc đã gần cạn sạch, trong khi còn hàng vạn người có nhu cầu. Năm nào cũng vậy khan hiếm, rồng rắn mua vé tàu hỏa Tết luôn là chuyên đề của báo chí Sài Gòn.
Từ check trên mạng ngày 7 tháng 11 dương lịch (còn hơn hai tháng mới đến tết) giá vé máy bay dịp tết đã bốc cao ngất ngưởng. Giá vé hàng không giá rẻ Vietjet, Jestar Pacific Sài Gòn đi Vinh trong khoảng từ 24 đến 30 Tết đã tăng đến 3,6 triệu đồng. Vietnam Airline lên đến từ trên 4 triệu đồng.
Quái lạ cùng thời điểm này tuyến Sài Gòn – Hà Nội xa hơn Vinh trên 500 km giá vé Vietjet lại thấp hơn chỉ khoảng 2,8 triệu 3 triệu đồng lượt. Vietnamairline, jetstar Pacific lên từ 3 đến trên 4 triệu đồng. Giá vé Sài Gòn đi Đà Nẵng dịp tết mềm hơn một chút, Vietjet, Jestar Pacific đồng giá 2,4 triệu đồng. Vietnam airline 2,8 triệu bay đêm, 3,3 triệu bay ngày. Nói chung các tuyến bay tết giá đều cao gấp hai ba lần so với giá ngày thường. Với công chức, lao động kỹ thuật bậc trung chỉ tiền máy bay đi về hai lượt đã ngốn hết phân nửa tiền lương thưởng tết.
Ưu tiên nội hay ngoại
Với những điều kiện khách quan khó khăn như vậy nhưng có không ít đôi vợ chồng lại câu nệ, tranh chấp nhau. Anh chồng cứ đòi về nội trước ngoại sau, giao thừa, mồng một phải ở nhà nội. Ngược lại có chị vợ đòi bình quyền, bên này một năm bên kia một năm. Thậm chí có chị lại khóc lóc dỗi hờn đòi phụ nữ phải được ưu tiên… Chúng tôi khảo sát một số cặp đôi để tìm kinh nghiệm, đáp án cho bài toán nhức đầu này.
Bạn Đinh Anh Tuấn, chủ quán Cháo Lươn Xứ Nghệ ở quận 2 Sài Gòn, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, bà xã quê ở Thanh Hóa. Mới thoạt nhìn cứ tưởng như thuận lợi nhất trong những cặp đôi chồng vợ xa quê. Hà Tĩnh chỉ cách Thanh Hóa hơn 200km chưa phải là xa lắm. Vợ anh Tuấn là nhân viên đại lý bán vé máy bay nên việc mua vé máy bay về tết không phải khó.
Thế nhưng, Hà Tĩnh chưa có sân bay nên lịch trình của hai anh chị phải chạy đua nước rút săn vé bay từ Sài Gòn về Vinh. Từ Vinh đón xe đò về Hà Tĩnh cho kịp đón giao thừa. Sáng mồng một, cúng kiến xong, hai vợ chồng lại bắt xe đò ngược lên Thanh Hóa. Mồng ba tết họ cùng bay vào Sài Gòn. Hành trình lý tưởng này đã duy trì được ba năm.
Đến tết con gà này, họ có thêm một cặp công chúa. Cuộc chạy đua Sài Gòn - Hà Tĩnh - Thanh Hóa đã trở thành quá sức về tài chính cũng như sức khỏe nên quyết định tạm thời ăn tết Sài Gòn. Họ quyết định năm nay thử không khí ăn tết xa quê, không Hà Tĩnh mà cũng không Thanh Hóa, cắn răng chịu nhớ quê, đến năm sau điều kiện thay đổi sẽ tính sau.
Luân phiên nội một năm, ngoại một năm
Một cặp đôi khác lại trái khoáy hơn về địa lý. Anh Tấn Định quê ở Tuy Hòa (miền Trung), phải lòng chị Thanh Giang ở một huyện của tỉnh Long An (miền Tây). Họ cùng sống ở Sài Gòn, bài toán chia đôi cái tết càng phức tạp.
Họ có xe ô tô không ngại chuyện phương tiện. Nhưng phải bốn lần quay đi quay lại cửa ngõ phía Nam và Bắc Sài Gòn, nơi kẹt xe nổi tiếng, nhất là những ngày giáp tết trên đường bộ lại phải tuân thủ theo mấy bảng khống chế tốc độ rùa nên khoảng cách chỉ 700 cây số mà họ phải đi mất một ngày một đêm.
Cuộc hành trình chia tết làm đôi chỉ thực hiện được mấy năm đầu. Khi hai chú nhóc ra đời, họ đã chọn giải pháp khác để đỡ mất thời gian đi lại: luân phiên về quê nội một năm, ngoại một năm. Giải pháp này không đạt so với yêu cầu tập tục nhưng thực tế họ có được kỳ nghỉ ngơi, thăm viếng họ hàng trọn vẹn mà không mất quá nhiều thời gian tết để chạy ngoài đường.
Hai con trai anh Định chị Giang vui tết Bính Thân ở nhà ngoại. |
800km mỗi cái tết
Cũng là một trái khoáy địa lý nhưng khéo vận dụng, vợ chồng chị Thùy Trang có bảy năm tết nội tết ngoại thành công và hứa hẹn sẽ tiếp tục thành công. Chị Thùy Trang quê ở Chợ Mới, An Giang, anh chồng quê Phan Thiết, Bình Thuận. Họ cùng sống ở Sài Gòn, cách hai quê đều nhau khoảng trên 200 cây số.
Gia đình chị Trang đông đến bảy anh em, mỗi người một phương hiếm khi có dịp đoàn tụ. Họ ước hẹn nhau ăn tết sớm như vua Quang Trung thưở trước. 27 tết, họ tụ hội về Chợ Mới nấu bánh tét và vui tết, sau đó tùy ai ở hay đi cũng được. Vợ chồng chị Thùy Trang chọn ca nghỉ tết sớm dùng xe máy đi từ Sài Gòn về Chợ Mới ngay trước cao điểm kẹt đường.
Ngày 28 tết khi thiên hạ từ Sài Gòn đổ về miền Tây anh chị lại đi xe máy về Sài Gòn nghỉ một đêm. Ngày 29 lại đi Phan Thiết bằng xe máy. Đến nay đã có hai nhóc bảy tuổi và ba tuổi, họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình ấy.
Với hai cháu nhỏ, đã quen với những chuyến đi dài, với chúng đó là chuyến du lịch thú vị sau một năm dài sống trong môi trường thành phố ngột ngạt. Hai bận đi về 800 km đường cho mỗi cái tết quả là sự kiên trì đáng phục.
Mười năm chia đôi cái tết
Một cặp đôi lý tưởng đã tạo được kỷ lục 10 năm liền chia đôi cái tết đồng đều cho bên nội ở Đà Nẵng, bên ngoại Nha Trang là anh Đình Nguyên và chị Thanh Trang. Thuận lợi của họ là cùng làm báo nên phân chia ca kíp thời gian nghỉ tết dài hơn ngành nghề khác nên cuộc đua có thong thả hơn.
Do anh Nguyên là con trai độc nhất của gia đình nên hai anh chị tận dụng mọi loại phương tiện có thể để về tết theo lịch trình Sài Gòn- Đà Nẵng ngay trước giao thừa. Từ mồng hai về Nha Trang ăn tết ngoại. Nhưng từ khi có con việc đi lại khó khăn hơn. Từ đầu tháng 10 họ đã phải vận động Công đoàn cơ quan hỗ trợ thủ tục mua vé tàu, loại vé nằm. Có năm phải trực tết đợt đầu, anh chị phải cho con trai mới tám tuổi một mình đi máy bay về Đà Nẵng và hẹn bà Nội ra đón cháu tại sân bay.
Chuyến đi lịch sử này từng tạo dư luận xôn xao có nên mạo hiểm cho trẻ đi xa một mình như vậy? Thậm chí có bài đăng báo như một ca điển hình về phương pháp nuôi dạy con. Năm nay hai anh chị đã để lọt đợt vé tàu, giá vé máy bay quá cao, chỉ còn lại cuộc đua chót là săn vé các loại xe chất lượng cao Phương Trang, Mai Linh, Thuận Thảo… Thời gian nghỉ tết năm nay lại ngắn. Cuộc đua năm nay báo hiệu nhiều vất vả.
Việc đoàn viên họp mặt gia đình trong ngày tết là tập tục, nghi lễ tốt vừa là nhu cầu tình cảm thiêng liêng của từng cá nhân nhưng cuộc sống đang ngày càng thay đổi với nhiều điều kiện phức tạp hơn.
Hoàn cảnh của từng người có khác, nên không thể theo một công thức, hoặc cứng nhắc theo một quy tắc nào tự gây khó cho mình, biến không khí vui tươi, thi vị của ngày tết thành cuộc chạy đua hụt hơi mệt mỏi. Hãy tìm cách để đoàn tụ, có nội, có ngoại mà vẫn vui tươi, thong thả. Đó mới chính là vui tết, hưởng tết.