Ngày 30/6, Bộ Y tế phối hợp Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh tổ chức mít tinh với chủ đề "Hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023 – Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững”.
Hơn 500 đại biểu tham gia mit tinh, gồm lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế; đại biểu các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra; UBND các quận, huyện, các Ban, ngành, đoàn thể và các đoàn viên tỉnh Hà Tĩnh...
Chương trình nhằm kêu gọi các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng cùng vào cuộc, chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước (Phong trào) nâng cao sức khỏe nhân dân góp phần phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người dân.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, 10 năm triển khai Phong trào đã tạo hiệu những ứng tích cực và duy trì bền vững. Phong trào giúp biến chuyển hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và cải thiện các điều kiện vệ sinh, nước sạch cho người dân trong cộng đồng đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não, cúm… Dịch cúm A (H5N1) cũng đã được kiểm soát tốt trong 10 năm gần đây và Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia thành công nhất trong khống chế cúm A (H5N1). Bệnh tả 10 năm gần đây không ghi nhận trường hợp mắc.
“Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường được khẳng định là một trong những giải pháp then chốt góp phần kiểm soát nhanh chóng bệnh dịch”, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Như thế, công tác Y tế dự phòng và Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trực tiếp góp phần kéo giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, di chứng cho người bệnh; đồng thời gián tiếp làm giảm số trường hợp nhập viện, giảm chi phí điều trị và chăm sóc y tế..., tạo ra những tác động tích cực không những với cá nhân mà cho cả cộng đồng.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2023 và 2024, hiện tượng El nino có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm liên quan đến muỗi. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh chóng là tác nhân ảnh hưởng khiến một số dịch bệnh mới nổi, tái nổi có xu hướng bùng phát trở lại, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội chủ động xây dựng kế hoạch Phong trào Vệ sinh yêu nước giai đoạn đến năm 2030 và kế hoạch hằng năm, lồng ghép các nội dung hoạt động của Phong trào vào các kế hoạch, chương trình, dự án nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan và tăng cường đầu tư, xã hội hoá huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và các hộ gia đình và các tổ chức trong và ngoài nước. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các ban ngành đoàn thể và các em học sinh tham gia thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch phòng chống dịch bệnh; tích cực phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết...
Tại buổi mít tinh, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) và Unilever Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác Chương trình Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững giai đoạn 2023-2028. Chương trình hợp tác được kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức và điều kiện vệ sinh, sức khỏe cho người dân, đồng thời xây dựng môi trường y tế bền vững tại Việt Nam.
Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận: 100% các tỉnh/thành phố hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Phong trào; tỷ lệ người dân duy trì thói quen rửa tay với xà phòng đã tăng gấp 2 lần so với năm 2012; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu tăng từ 79% lên 97% (năm 2022); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 57% (2012) lên 80,1% (2022); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch tăng gần 14% từ 78,5% năm 2012 lên 92% năm 2022; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 12,5% từ 80% năm 2012 lên 92,5% năm 2022; tỷ lệ trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh cải thiện rõ rệt từ 84,2% năm 2012 lên 96% năm 2019; điều kiện vệ sinh trường học được cải thiện, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh; tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, giảm nhiều về số vụ, số mắc, số tử vong...