Trong những nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền có ba nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật...
Pháp luật là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã thể hiện sâu sắc lý luận và những giá trị, mục đích tốt đẹp của CNXH và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong nội dung bài viết của Tổng Bí thư khẳng định rõ những nhiệm vụ chủ yếu cần tiếp tục thực hiện: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thông qua hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước, sự đồng lòng, đồng sức của toàn thể nhân dân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước và pháp luật, bảo vệ, bảo đảm các quyền, lợi ích của nhân dân, thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân. Đó là những bằng chứng sinh động khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta về xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một trong những điều kiện then chốt để hiện thực hóa những giá trị cơ bản, cao đẹp của CNXH. Trong những nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân có ba nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng đạo đức, văn hóa công vụ và đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, quản trị quốc gia.
GS.TS Hoàng Thị Kim Quế. |
Hệ thống pháp luật là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân. Pháp luật là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát và tham gia vào xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật.
Chất lượng, sự phù hợp cuộc sống của hệ thống pháp luật được đánh giá, đo lường bằng những tiêu chí cơ bản như: Tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, công khai, ổn định, công bằng, bình đẳng, nhân văn, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm các quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân, tạo lập môi trường cạnh tranh an toàn, lành mạnh. Pháp luật ngày nay là một loại nguồn vốn quan trọng của quốc gia, mỗi người dân, doanh nghiệp. Cơ hội giờ đây không chỉ là tiền bạc mà còn đặc biệt quan trọng như một nguồn vốn, đó là sự bình đẳng trong kinh doanh, sự minh bạch, hài hòa lợi ích của hệ thống chính sách, pháp luật, sự thông thoáng, đơn giản của thủ tục hành chính, tính chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật và trách nhiệm phục vụ xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đảm bảo sự tham gia của người dân vào xây dựng và thực thi pháp luật
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các nhóm giải pháp chủ yếu là: Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan có trách nhiệm xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, chế độ kiểm soát pháp luật; góp ý, phản biện xã hội, đánh giá tác động pháp luật. Nghiên cứu, xây dựng chế độ trách nhiệm rõ ràng, dễ đánh giá đối với các cơ quan, người đứng đầu cơ quan và từng cán bộ cụ thể trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Thực hiện kiểm soát pháp luật - điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền, mọi hoạt động của các cơ quan công quyền và các cá nhân công quyền đều phải được kiểm soát bằng những thiết chế, cơ chế pháp lý và xã hội. Pháp luật do Nhà nước ban hành và tổ chức thực thi cũng phải được đặt trong điều kiện được kiểm soát từ việc đưa cuộc sống vào pháp luật đến đưa pháp luật vào cuộc sống.
Kiểm soát pháp luật có nội hàm rộng lớn, bao quát đối với tất cả các công đoạn của quy trình xây dựng chính sách, pháp luật; đánh giá tác động của các chính sách, văn bản pháp luật, dự thảo văn bản pháp luật; kiểm soát/theo dõi tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, thực hiện pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Kiểm soát pháp luật không chỉ để phát hiện vi phạm trong xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, mặc dù đây cũng là một thành tố quan trọng của kiểm soát pháp luật. Kiểm soát pháp luật nhằm mục đích đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định, phù hợp cuộc sống của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện “lỗ hổng”, bất cập, lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, những hạn chế khác của hệ thống pháp luật và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật cũng như các hình thức dịch vụ pháp lý đều cần được kiểm soát để kịp thời phát hiện thiếu sót, bất cập hoặc sai phạm, để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện; để không chỉ là xử lý vi phạm mà còn là để tôn vinh, khen thưởng, khích lệ những việc làm tích cực, những cá nhân, tổ chức điển hình.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời tổ chức thi hành pháp luật cần gắn với xây dựng, hoàn thiện pháp luật, sớm nghiên cứu, xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật trong bộ ba văn bản luật quan trọng: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật về tổ chức thi hành pháp luật.
Để đảm bảo chất lượng, sự phù hợp cuộc sống của hệ thống pháp luật, hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, cần phải đảm bảo sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào xây dựng và thực thi pháp luật. Người dân cần được cung cấp thông tin cần thiết để tham gia, đánh giá về mức độ hài lòng đối với cơ quan, cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, giải quyết công việc cho nhân dân.
Một trong những điều kiện căn bản đảm bảo chất lượng hiệu lực, hiệu quả pháp luật, phát huy dân chủ, đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội là xây dựng trách nhiệm đạo đức, văn hóa công vụ trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Biểu hiện sâu sắc, thiết thực nhất của trách nhiệm đạo đức công vụ của người cán bộ nhà nước hiện nay là ý thức và làm việc, cống hiến theo lời dạy sâu sắc thấm đượm tinh thần dân chủ, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.