LTS: Nhân sự kiện Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam sẽ bắt đầu với 3 Hội nghị của ASEAN diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 13 đến 15-1, từ số báo này, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam” nhằm giới thiệu đến bạn đọc về ASEAN, xây dựng cộng đồng và các trụ cột của ASEAN, quá trình tham gia và những đóng góp của Việt Nam với ASEAN.
Quá trình hình thành và phát triển của ASEAN
Tổ chức ASEAN được thành lập ngày 8-8-1967 sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan ký bản Tuyên bố ASEAN (còn gọi là Tuyên bố Bangkok). Hiện nay tổ chức này có 10 hội viên bao gồm 5 nước hội viên nguyên thủy và 5 nước hội viên gia nhập sau này là Brunei Darussalam (8-1-1984), Việt Nam (28-7-1995), Lào và Myanmar (23-7-1997), Cambodia (30-4-1999). Khu vực ASEAN có 500 triệu dân, diện tích rộng 4,5 triệu km2. Trong thập kỷ 90, ASEAN nổi lên như là một tổ chức tiểu khu vực hoạt động năng nổ và hữu hiệu, tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính từ giữa năm 1997 đặt ra một số thách thức lớn đối với ASEAN.
Kể từ trước khi chính thức gia nhập với tư cách thành viên đầy đủ năm 1995 tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Brunei, Việt Nam đã được mời tham dự các cuộc họp hằng năm của Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Singapore (1993) và Thái Lan (1994) cũng như một số cuộc họp khác của ASEAN. Từ đầu năm 1994, Việt Nam được mời tham gia vào một số dự án hợp tác chuyên ngành của ASEAN trên 5 lĩnh vực đã được hai bên thỏa thuận: khoa học kỹ thuật, văn hóa-thông tin, môi trường, y tế và du lịch. Hiện nay Việt Nam đã tham gia hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của ASEAN với tư cách thành viên đầy đủ. Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do ASEAN từ năm 1996.
Xây dựng cộng đồng ASEAN
1- Tuyên bố Bangkok đánh dấu sự ra đời của ASEAN đã nêu các mục tiêu gồm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực, nhằm xây dựng một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình ở Đông Nam Á. Trải qua 4 thập kỷ hình thành và phát triển, nội dung hợp tác giữa các nước thành viên với nhau và giữa ASEAN với bên ngoài ngày càng trở nên sâu, rộng và hình thức ngày càng phong phú. Quá trình đó cũng đánh dấu sự hình thành và phát triển các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế cho đến văn hóa-xã hội...
ASEAN cũng xây dựng được một loạt những văn kiện quan trọng mang tính định hướng, tạo khuôn khổ cho hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Trước những nhu cầu cấp bách cần phải nâng cao hiệu quả hợp tác và trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển to lớn, ASEAN đã nỗ lực tăng cường liên kết khu vực, biến Hiệp hội thành một tổ chức khu vực gắn kết chặt chẽ hơn, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, sự phát triển kinh tế năng động của mỗi nước và cả khu vực.
(Còn nữa)
(Theo asean 2010.vn)