Đi qua những ngày chăn trâu, cắt cỏ, hôm nay tôi tìm về quê hương sao mà cứ thấy nao nao ở trong lòng. Tôi là một cô gái sinh ra ở vùng quê chiêm trũng của huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ngày bé lắm, tôi thường theo lũ trẻ ra ngoài đồng, chạy nhảy tung tăng trên rơm rạ.
Gió thổi hất tung những sợi rơm rạ bay lên rồi len vào trong gió. Chúng tôi cứ tụm năm, tụm bảy cứ chạy nhảy rồi hít hà một mùi hương, có lẽ đó chính là mùi của hồn quê. Chúng tôi nô đùa cùng nhau, cầm rơm ném nhau, đánh trận giả, chơi trò trốn tìm rồi lại cười vang trên cánh đồng. Mọi thứ cứ như một bức tranh muôn sắc màu, trong đó có tôi, có đám trẻ và có cả những cánh đồng bát ngát trải rộng, xa tít tắp đến tận chân trời…
Ngày mùa đang gõ cửa từng cánh đồng của làng quê, nhà nhà, ai ai cũng chuẩn bị cho một vụ gặt mới. Khi sương còn vương đầu ngõ, người người xóm trên, làng dưới đã ồn ã ra đồng vui mùa lúa mới. Cây lúa chín trĩu bông như nhắc nhở bao người rằng: Hãy khiêm tốn như bông lúa, càng chín, càng cúi đầu…
Vào ngày mùa rơm mới được phơi khô, từng chuyến xe bò nối đuôi nhau đi từng đoàn, rơm rạ chất cao tựa như núi đi qua từng ngõ xóm, tiếng cười nói râm ran khắp cả đường làng. Chiều chiều khói bếp nhà ai lại bay lên len vào trong gió, khung cảnh của làng quê, với những ký ức tuổi thơ chẳng thể nào quên được.
Cứ chiều tối, bà lại bảo tôi đi lấy những bó rơm phơi khô để nấu nước gội đầu. Bên ánh lửa, nồi nước tỏa ra hương xả, hương nhu, hương bồ kết, quyện vào hương của rơm của rạ sao mà thấy thân thương đến thế. Mỗi lần về quê, bà lại kể cho tôi nghe bao chuyện của dân làng, những câu chuyện về niềm vui của ngày được mùa và cả nỗi buồn của những ngày bão lũ ngập hết cả cánh đồng làng.
Bà bảo lúa, rơm đã nuôi lớn và che chở người dân mình. Nghèo khó nhưng nó là niềm tự hào, là hồn quê. Bà còn bảo, các cháu đi đâu xa đừng quên nguồn gốc quê hương. Bởi nơi đó có hạt gạo thấm đẫm mồ hôi và nước mắt…
Ngồi trong bếp lửa, nhìn những sợi rơm nhỏ bé, nổ lách tách bên ngọn lửa bập bùng, chợt tôi lại nghĩ đến những vần thơ mang màu sắc của hương rạ: Nấu cơm giúp mẹ, giúp cha/ Đêm về lại giúp đàn gà chở che/ Ngày rét giúp mẹ ta se/ Se thành ổ ấm nuôi con tháng ngày/. Bay bay trên nóc phây phây/ Sợi vàng, sợi trắng dệt nên mái nhà/. Bàn tay mẹ, bàn tay cha/ Rơm mùa nuôi lớn cho ta nên người.
Sự lam lũ, vất vả của một miền quê luôn được báo đáp ân tình khi mùa về. Đó chính là thành quả, công lao, nỗi vất vả của cha mẹ. Và chẳng biết từ khi nào, cây rơm, cây rạ lại tạc lên một hình ảnh quê hương, xứ sở đầy ân tình như thế…