Xe tăng bị phá huỷ trong chiến sự ở Brovary, phía đông Kiev, Ukraine. Ảnh: Dailymail
Theo trang Asia Times, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang dẫn đến nhiều ảnh hưởng trên toàn thế giới. Thậm chí đã có những lo ngại về một cuộc chiến tranh thế giới mới, hay một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng ít được nhắc đến hơn là ngành công nghiệp quốc phòng trị giá gần nửa nghìn tỷ USD, cung cấp vũ khí cho cả hai bên và kết quả là thu được lợi nhuận đáng kể.
Cuộc chiến tại Ukraine đã chứng kiến sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng của nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ mua và giao số vũ khí trị giá 450 triệu euro cho Ukraine, trong khi Mỹ cam kết viện trợ quân sự 350 triệu USD, cùng với hơn 90 tấn vật tư quân sự và 650 triệu USD chỉ trong năm qua.
Tổng cộng, Mỹ và NATO đã gửi 17.000 vũ khí chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine. Một liên minh quốc tế gồm nhiều quốc gia cũng sẵn sàng trang bị vũ khí cho Ukraine, bao gồm Anh, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.
Đây là một cơ hội lớn cho các nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Trong đó, Raytheon chế tạo tên lửa Stinger và cùng với Lockheed Martin chế tạo tên lửa chống tăng Javelin vốn được Mỹ và Estonia ưa chuộng.
Cổ phiếu của cả hai tập đoàn Mỹ, Lockheed và Raytheon, lần lượt tăng khoảng 16% và 3% kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, đi ngược lại mức giảm 1% của chỉ số S&P 500.
Cổ phiếu của các hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin, Raytheo, BAe System, Northrop Grumman đi lên trong khi chỉ số S&P 500 (màu xanh dương) và cổ phiếu Boeing (xanh lơ) đi xuống - chủ yếu do mảng hàng không.
Cổ phiếu của BAE Systems, công ty sản xuất vũ khí lớn nhất ở Anh và Châu Âu, tăng 26%. Trong số năm nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới tính theo doanh thu, chỉ có Boeing bị tụt hạng do chịu ảnh hưởng ở mảng hàng không và một số lý do khác.
Trước cuộc xung đột, các công ty vũ khí hàng đầu của phương Tây đã thông báo cho các nhà đầu tư về khả năng tăng lợi nhuận. Gregory J Hayes, Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng khổng lồ Raytheon - Mỹ, tuyên bố trong thông báo về lợi nhuận ngày 25/1: “Chúng ta chỉ cần nhìn vào tuần trước, khi ta chứng kiến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở UAE… Và tất nhiên, căng thẳng ở Đông Âu, căng thẳng ở Biển Đông, tất cả những điều đó đang gây áp lực lên chi tiêu quốc phòng ở đó. Vì vậy, tôi hoàn toàn mong đợi chúng ta sẽ chứng kiến một số lợi ích từ điều đó”.
Thậm chí vào thời điểm đó, ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu đã được dự báo sẽ tăng 7% trong năm 2022.
Ngoài việc trực tiếp bán vũ khí cho các bên tham chiến tại Ukraine và cung cấp cho các quốc gia khác đang tài trợ vũ khí cho Ukraine, các công ty sản xuất vũ khí sẽ chứng kiến nhu cầu tăng thêm từ các quốc gia như Đức và Đan Mạch, vốn đã thông báo sẽ tăng chi tiêu quốc phòng.
Binh sĩ Ukraine sử dụng súng máy tại một chốt chặn ở ngoại ô Brovary, phía đông Kiev. Ảnh: AFP/Getty Images
Toàn bộ ngành công nghiệp vũ khí có phạm vi toàn cầu. Mỹ dễ dàng dẫn đầu thế giới, chiếm 37% tổng doanh số bán vũ khí của thế giới từ năm 2016-20. Tiếp theo là Nga với 20%, rồi đến Pháp (8%), Đức (6%) và Trung Quốc (5%).
Ngoài 5 nhà xuất khẩu hàng đầu còn có nhiều nhà xuất khẩu tiềm năng khác được hưởng lợi trong cuộc chiến này. Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp cảnh báo của Nga vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả máy bay không người lái công nghệ cao – dòng sản phẩm mang nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, cung cấp gần 1% trên thị trường thế giới.
Israel hưởng khoảng 3% doanh thu vũ khí toàn cầu, và một trong những tờ báo của nước này gần đây đã tuyên bố: “Người chiến thắng sớm trong xung đột Ukraine: Ngành công nghiệp quốc phòng của Israel”.
Cổ phiếu của nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon đã tăng mạnh sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine. Ảnh: Reuters
Trong khi đó Nga đang xây dựng ngành công nghiệp vũ khí tự lực nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2014. Chính phủ Nga đã thiết lập một chương trình thay thế nhập khẩu lớn để giảm sự phụ thuộc vào vũ khí và công nghệ của nước ngoài, cũng như tăng doanh số bán hàng ra nước ngoài.
Là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, Nga nhắm tới một loạt khách hàng quốc tế. Xuất khẩu vũ khí của nước này giảm 22% trong giai đoạn 2016-2020, nhưng điều này chủ yếu là do doanh số bán cho Ấn Độ giảm 53%. Đồng thời, Moskva đã tăng cường đáng kể doanh số bán hàng sang các đối tác khác như Trung Quốc, Algeria và Ai Cập.
Theo một báo cáo ngân sách của Quốc hội Mỹ: "Các loại vũ khí của Nga có thể có giá rẻ hơn và dễ vận hành, bảo trì hơn so với các hệ thống phương Tây”. Các công ty quốc phòng lớn nhất của Nga là nhà sản xuất tên lửa Almaz-Antey (có doanh thu 6,6 tỷ USD), United Aircraft Corp (4,6 tỷ USD) và United Shipbuilding Corp (4,5 tỷ USD).
Phương Tây và Nga đều sở hữu những tổ hợp công nghiệp quân sự phức tạp. Cả hai đều dựa vào, kích hoạt và chịu ảnh hưởng bởi chính các ngành công nghiệp vũ khí khổng lồ của họ. Thực tế này còn được củng cố bởi các năng lực tấn công công nghệ cao mới hơn, bao gồm từ máy bay không người lái đến các hệ thống vũ khí tự động tinh vi do AI (trí tuệ nhân tạo) dẫn đường.
Binh sĩ Ukraine diễn tập sử dụng tên lửa vác vai Javelin do Mỹ sản xuất tại vùng Donetsk, ngày 23/12/2021. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Mỹ sẽ trừng phạt trực tiếp ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến nước này khó kiếm được nguyên liệu thô và bán sản phẩm ra quốc tế để tái đầu tư vào nhiều thiết bị quân sự hơn.
Điều này có thể tạo ra cơ hội thương mại cho các nhà thầu quân sự phương Tây. Nó có thể để lại khoảng trống tạm thời trước khi các công ty Mỹ và châu Âu đạt được lợi thế cạnh tranh hơn nữa, dẫn đến hậu quả là việc mở rộng cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.
Theo tác giả Peter Bloom - Giáo sư về quản lý tại Đại học Essex (Anh) - trong bài viết trên trang Asiatimes, thế giới nên tìm cách hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng của ngành công nghiệp vũ khí. Quá trình này có thể bao gồm các thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế việc bán các loại vũ khí cụ thể, hỗ trợ đa phương cho các quốc gia cam kết cắt giảm ngành công nghiệp quốc phòng của họ và trừng phạt các công ty vũ khí đang vận động để tăng chi tiêu quân sự.
Về cơ bản, điều đó sẽ liên quan đến việc hỗ trợ cho các phong trào thách thức sự phát triển hơn nữa các khả năng quân sự.
Rõ ràng, không có câu trả lời dễ dàng và quá trình đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng cộng đồng quốc tế cần phải công nhận rằng sẽ không thể đạt được hòa bình lâu dài nếu không loại bỏ càng nhiều càng tốt việc chế tạo và bán vũ khí như một ngành kinh tế sinh lợi.