Xin ông điểm qua tình hình thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện nhà trong thời gian gần đây?
Ông Phạm Trọng Hổ: Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện. Chương trình mang tính tổng thể, dài hạn 10 năm và là một chương trình mới, đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhờ sự quan tâm từ các ban ngành nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hoá ngày một được cải thiện |
Mục tiêu của chương trình là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS. Chương trình cũng nhằm rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng khác, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, chính sách tín dụng cho hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính vì thế thời gian qua, UBND huyện đã tập trung tổ chức chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình, cụ thể: Ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó bao gồm: Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững).
Đồng thời, căn cứ Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; các Nghị định, Thông tư và các văn bản của Trung ương, Bộ ngành quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình.
Và trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh Quảng Trị quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và thực hiện các Nghị quyết của HĐND huyện. UBND huyện đã ban hành các quyết định về phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn và các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
UBND huyện ban hành các quyết định phân bổ vốn đầu tư phát triển (tổng kế hoạch vốn: 94,755 tỷ đồng) để thực hiện Chương trình năm 2023.
Trên cơ sở kế hoạch vốn đã được UBND huyện phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn; UBND huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn triển khai kế hoạch, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ liên quan nhằm thực hiện Chương trình đảm bảo hiệu quả, đạt tiến độ.
UBND huyện luôn quan tâm công tác an sinh xã hội, văn hoá đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Việc triển khai thực hiện đã được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Lãnh đạo UBND huyện thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo đúng quy định. Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền phân bổ vốn, bổ sung, điều chỉnh các quy định, định mức để làm cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, luôn kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo tỉnh và các Sở, ngành hướng dẫn, giải quyết.
Ngoài ra, UBND huyện cũng thường xuyên cập nhật, truyền tải các văn bản, hướng dẫn mới về việc triển khai thực hiện Chương trình để kịp thời chỉ đạo điều chỉnh, áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện. Chú trọng chỉ đạo nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển ổn định; quan tâm công tác an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chính sách tín dụng cho hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn huyện.
Được biết, việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở địa phương còn gặp khó khăn. Huyện đã phân bổ vốn cũng như có những cách làm nào?
Ông Phạm Trọng Hổ: Căn cứ quyết định phân bổ vốn, điều chuyển vốn. UBND huyện đã hỗ trợ đất ở với số tiền hơn 4 tỷ đồng để hỗ trợ cho 101 hộ hưởng lợi (định mức 40 triệu/hộ). Việc này đã được thực hiện tại các xã, thị trấn: Tân Lập (1 hộ), Tân Thành (7 hộ), Lao Bảo (2 hộ), Thuận (25 hộ), Hướng Lộc (12 hộ), Lìa (53 hộ) và Hướng Phùng (1 hộ).
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng hỗ trợ nhà ở với số tiền gần 19 tỷ đồng cho 473 hộ và thực hiện tại 19 xã, thị trấn (riêng xã Tân Hợp không thực hiện).
Cấp đất ở, đất sản xuất là động lực quan trọng trong việc phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. |
Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ đất sản xuất với số tiền 595 triệu đồng. Hỗ trợ chuyển đổi nghề 4,3 tỷ gồm 435 hộ hưởng lợi (định mức 10 triệu đồng/hộ). Hiện nay, các xã, thị trấn đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ thực hiện các hạng mục, gồm: máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, máy phun thuốc, máy cưa cầm tay, máy khoan đất, máy cày mini, máy băm chuối…
Huyện cũng đã quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Cụ thể, đã đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Húc: Vốn bố trí 7,766 tỷ đồng, đã giải ngân gần 400 triệu đồng. Rồi dự án ổn định dân cư những nơi cần thiết (nguồn sự nghiệp): Tổng vốn bố trí 3,65 tỷ đồng, đã giải ngân: 536 triệu đồng.
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào được quan tâm như thế nào?
Ông Phạm Trọng Hổ: UBND huyện đã giao phòng Tư pháp huyện: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia các lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao trình độ nhận thức của đồng bào về các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phòng Tư pháp huyện đã thực hiện công tác tham mưu cho UBND huyện, đưa ra nhiều hình thức truyên truyền khác nhau: như cử cán bộ Tư pháp thường xuyên trực tiếp tổ chức các buổi giáo dục pháp luật tại các thôn, bản, xã, thị trấn; đăng pano, áp phích, tranh cổ động, phát thanh trên các phương tiện truyền thông đại chúng; in tài liệu tuyên truyền về pháp luật...gửi trực tiếp cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ tặng hoa và quà cho ông Hồ Văn Hạnh vì đã tự nguyện hiến đất xây dựng điểm Trường mầm non, cũng là người có uy tín trong vấn đề Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS và MN. |
Bên cạnh đó, chính quyền đã sử dụng đội ngũ người có uy tín trong địa bàn tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; đây cũng là một kênh tuyên truyền rất hiệu quả, đã phát huy được tính thực tế trong đời sống nhân dân, họ cũng là những người có uy tín trong vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình, lại có điều kiện tiếp xúc với đồng bào, hiểu được đời sống, tâm tư nguyện vọng của từng người dân nên tiếng nói của họ đã có tác động rất lớn đến người dân đồng bào DTTS, giúp chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS và MN được lồng ghép tại các sự kiện ở các thôn, bản huyện Hướng Hoá. |
Việc phát triển giáo dục - đào tạo đối với đồng bào thời gian gần đây đã được quan tâm mạnh mẽ. Xin ông cho biết huyện đã có những đầu tư, cách làm nào?
Ông Phạm Trọng Hổ: Mới đây, huyện đã giao Ban quản lý dự án Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp làm chủ đầu tư, xây mới các phòng công vụ giáo viên, phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú gồm 11 công trình tại các xã: Hướng Sơn, Hướng Lộc, Hướng Linh, Ba Tầng, Hướng Lập. Các công trình này nằm trong dự án, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; chính sách đầu tư giáo dục, hỗ trợ học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; chính sách cử tuyển…đã được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Sơn được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang |
Ngoài ra, huyện cũng giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo hơn 1,6 tỷ đồng (đã giải ngân hơn 120 triệu đồng) để thực hiện: Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và hỗ trợ công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã quan tâm việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng nguồn vốn sự nghiệp (năm 2022 kéo dài sang năm 2023 và năm 2023): 7,2 tỷ đồng, đã giải ngân: 150 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục học lý thuyết và thực hành. Hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề, dụng cụ dạy học và thực hành.
Nhận bò để giải quyết kế sinh nhai |
Đặc biệt, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài. Phòng Dân tộc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng. Tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, huyện…
Trân trọng cảm ơn ông !