Càng ngày, con người càng gặp phải rắc rối đối với những chiếc pin lithium-ion đã mất khả năng sử dụng được thải ra từ các dụng cụ luôn gắn liền với sinh hoạt hàng ngày như máy tính xách tay và điện thoại di động.
Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu chúng ta sẽ làm gì với những chiếc pin như vậy nếu sử dụng xe điện? Liệu có hay không khả năng chúng ta phải vứt bỏ chúng sau một thời gian? Và hậu quả lớn hơn, đó là cả trái đất sẽ phải hứng chịu một lượng rác thải ô nhiễm môi trường khổng lồ?
Câu trả lời có lẽ là không. Bởi trước hết, các pin lithium-ion được sử dụng trong xe điện sẽ ít nguy hiểm cho môi trường hơn so với hầu hết các loại pin khác bởi chúng không chứa quá nhiều lượng đất hiếm độc hại. Thứ hai, tất cả các loại pin, dù lớn hay nhỏ đều có thể được tái chế và tất nhiên pin xe điện cũng không phải là ngoại lệ. Những chiếc pin lithium-ion của xe điện được các nhà sản xuất khuyến cáo có tuổi thọ khoảng 10 năm. Nhưng sau thời gian đó, không phải chúng sẽ trở nên hoàn toàn vô dụng. Ông Greg Cesiel, giảm đốc kỹ thuật của GM đối với riêng dòng xe điện cho biết: “Vào giai đoạn cuối tuổi thọ, chiếc pin sẽ có công suất hoạt động bằng khoảng ½ công suất thiết kế ban đầu.
Bộ pin lithium-ion trên Nissan LEAF không gây hại tới môi trường |
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp tái chế pin xe điện sẽ chưa thể phát triển nếu chưa tồn tại một thị trường dành riêng cho các sản phẩm tái chế. Cho đến nay, tương lai cho một thị trường như vậy vẫn là điều chưa rõ ràng. Ít nhất là cho tới khi ngành công nghiệp này tìm ra hướng tiêu thụ cho những chiếc pin tái chế, thị trường xe điện plug-in vẫn chưa thể hoàn toàn thăng hoa.
Tái chế vốn không phải là một ý tưởng mới trong ngành công nghiệp xe hơi. Ví dụ, trên thực tế, Ford Motor ước tính có khoảng 95% xe hơi và xe tải của hãng này cuối cùng được tập trung tại các bãi phế liệu để phục vụ công nghiệp tái chế và 80% vật liệu trong chiếc xe hơi (tính theo trọng lượng) có thể tái chế. “Nhưng đối với pin lithium-ion việc thực hiện tái chế sẽ khó khăn hơn” - John Hanson, người phát ngôn của Toyota cho biết - "Tái chế sẽ không khả thi về mặt kinh tế bởi loại pin này không sử dụng hợp kim niken”. Pin lithium – ion không sử dụng nhiều đất hiếm và những kim loại có giá trị như các loại pin khác.
Nhưng bất chấp những lo ngại của thị trường, Toyota vẫn tin tưởng rằng pin xe điện tái chế sẽ tìm thấy một thị trường khả thi cho riêng mình. Toyota đã lên kế hoạch xây dựng riêng một nhà máy tái chế pin lithium-ion được thải ra từ những chiếc Toyota Prius plug-in 1 năm trước khi những chiếc xe đầu tiên được bán ra thị trường. Hiện tại kế hoạch đó vẫn chưa thể hoàn thiện. Một phần của vấn đề là, sản phẩm xe điện còn rất mới đối với đa số người tiêu dùng, do vậy thị trường cho các vật liệu tái chế như pin lithium – ion vẫn chỉ đang trong giai đoạn phôi thai. Sẽ dễ dàng hơn nếu mọi thứ đi vào hoạt động sau khoảng vài năm, khi đó lượng pin cần tái chế sẽ tăng đáng kể và nhu cầu cho những dịch vụ như vậy sẽ trở nên sẵn có hơn.
Phan Liên (theo CNN)