Tích cực chuyển đổi cơ cấu, thời vụ trong nông nghiệp
Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, trong năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh vẫn đạt 13.318 tỷ đồng, tăng 2,78% so với năm 2020, trong đó nông nghiệp ước đạt 11.860 tỷ đồng, tăng 2,55%; thủy sản 1.448 tỷ đồng, tăng 4,69%.
Trong trồng trọt, các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, giống cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 76.323 ha, đạt 95,05% kế hoạch được giao; diện tích gieo trồng lúa ước đạt 56.029ha, đạt 101,04% kế hoạch được giao.
Đặc biệt về lúa chất lượng cao chiếm 71,2% diện tích, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, tăng 2,7%. Tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 14.618 ha, tăng 3,79% ha so với năm 2020. Trong đó, cây nhãn là 4.700 ha, cao hơn năm trước 34ha, sản lượng đạt khoảng 41.663 tấn; cây vải l1.200 ha, tăng 108 ha so với năm trước, sản lượng vải đạt 12.300 tấn; chuối có 2.700 ha, tăng 294 ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 88.972 tấn, tăng 26,8%; diện tích cây có múi là 4.250 ha, tăng 192 ha, sản lượng ước đạt 64.850 tấn, tăng 4.98%;...
Nhãn tiến vua của Hưng Yên chuẩn bị xuất khẩu đi Mỹ. Ảnh: Tấn Thạnh |
Ông Tuân cũng cho biết, về chăn nuôi nhìn chung ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2021 phát triển khá tốt. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản được duy trì ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.657 ha, chủ yếu nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Theo báo cáo, có khoảng 440 lồng tập trung ở 1 số huyện, thành phố như: Văn Giang (20 lồng), Khoái Châu (15 lồng), Kim Động (107 lồng) và thành phố Hưng Yên (298 lồng). Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 51.240 tấn, đạt 109,8% kế hoạch, tăng 5% so với năm 2020.
Công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn tỉnh; công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên (thứ 2 bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đi kiểm tra công tác trồng và thu hoạch nhãn tại Hồng Nam. Ảnh: Trọng Tín |
Thêm 21 hợp tác xã mới được thành lập
Trong năm 2021, kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô. Tỉnh Hưng Yên đã thành lập mới được 21 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 339 hợp tác xã. Tỉnh cũng duy trì 175 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (như: chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; chuỗi sản xuất, tiêu thụ nhãn; cá lồng,...). Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên đã đánh giá, xếp hạng được 69 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nâng tổng số lên 169 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước cải thiện đời sống nông dân.
Ngoài ra, các giải pháp về công tác thuỷ lợi tại Hưng Yên được triển khai khá đồng bộ, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai các giải pháp, vận hành hệ thống thuỷ lợi đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tham mưu xây dựng Kế hoạch Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; báo cáo đánh giá hiện trạng đê điều năm 2021; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “xây dựng tuyến đê kiểu mẫu’ và Hạt “quản lý đê Luộc, Dự án Hệ thống thủy lợi vùng chuyên canh cây nhãn, cây vải tỉnh Hưng Yên, Dự án điển hình”. Đồng thời, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, ông Tuân cho biết.
Người dân chăm sóc bưởi cảnh phục vụ đón Tết. Ảnh: Ngọc Nga |
Về xây dựng nông thôn mới, theo báo cáo, trong năm 2021, tỉnh Hưng Yên có thêm 5-10 khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số lên 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điều kiện sử dụng nước sạch đạt 92%.
Chia sẻ thêm về mục tiêu trong năm 2022, ông Tuân nói: “Trong năm 2022, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh phát triển nền kinh tế của tỉnh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái”.