Gần đây, các hình ảnh, video clip về vụ việc thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, đánh nhau thường xuyên được đăng tải trên một số hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook như: Beat Hưng Yên, Tin tức Hưng Yên... Theo đó, tình trạng nhiều nhóm thanh thiếu niên (TTN), độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, có hành vi điều khiển xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường tại các huyện, thị xã, thành phố. Không những thế, các nhóm này còn không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương và đi xe quá tốc độ cho phép; thậm chí còn dàn hàng ngang, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện đi đường.
Tình trạng TTN phạm tội, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp như hiện nay bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Đa số các đối tượng phạm tội có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Có những gia đình do bố, mẹ quá nuông chiều con, trong khi lại không quan tâm, phó mặc sự giáo dục, quản lý cho nhà trường và xã hội. Ngoài ra, việc quản lý học sinh trong nhà trường còn nhiều kẽ hở, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, một bộ phận nhỏ học sinh đã bị những thành phần xấu ngoài xã hội lôi kéo, dụ dỗ thực hiện những hành vi vi phạm.
Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở giai đoạn này, khả năng phân biệt và nhận thức đúng, sai, hợp lý và không hợp lý còn rất hạn chế. Trước tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật.
Thực hiện tốt công tác nắm hộ, nắm người, kịp thời phát hiện các nhóm TTN có biểu hiện hư hỏng để có biện pháp giáo dục, răn đe, xử lý ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm. Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh, nhất là học sinh “cá biệt”, để xác định nguyên nhân, đưa ra các giải pháp để có biện pháp quản lý, theo dõi, giáo dục phù hợp và kịp thời.
Tuy nhiên, để công tác phòng, ngừa tội phạm trong TTN đạt hiệu quả cao thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục. Đối với những thanh thiếu niên có quá khứ phạm tội hoặc đang có biểu hiện vi phạm pháp luật, phải coi trọng việc cảm hóa, giáo dục, giúp các em sửa chữa sai lầm, kịp thời phát hiện biểu hiện vi phạm để có biện pháp quản lý, giáo dục; ngăn chặn các ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội tác động đến những đối tượng này.
Cùng với đó là sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương như tạo nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp dạy nghề và thu hút tuyển dụng vào các doanh nghiệp, giúp thanh niên có việc làm ổn định. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được chú trọng về cả hình thức lẫn nội dung nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho thanh thiếu niên.