Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị Khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều cơ chế đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật. Các hoạt động văn học nghệ thuật có tính chuyên nghiệp hơn, có bước phát triển mới, nhiều tác phẩm có giá trị.
Phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh, nhiều câu lạc bộ về văn học, nghệ thuật ra đời. Công tác xã hội hoá các hoạt động văn học nghệ thuật cũng được đẩy mạnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được triển khai tích cực. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, phục vụ các hoạt động văn học nghệ thuật ở cơ sở được đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật của tỉnh đã nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hoá, tạo điều kiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật của địa phương đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, phát huy các giá trị nghệ thuật cổ truyền, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù, trống quân; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở, góp phần không nhỏ vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Toàn tỉnh có 1 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", 34 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú". Đây là những nghệ nhân có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh.
Hưng Yên hiện còn bảo lưu được 1.802 di tích các loại; trong đó 445 di tích đã được xếp hạng và 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật cổ vật có giá trị. Trong kho tàng văn hoá phi vật thể, tại Hưng Yên có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc và có 2 lễ hội truyền thống được đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hoá dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân Hưng Yên.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã phân tích, làm rõ quá trình triển khai tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đề xuất, kiến nghị để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và văn hiến, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế đẩy mạnh phát triển VHNT, đi đôi với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, đúng hướng và bền vững thì việc hội nhập, giao lưu tiếp xúc văn hóa ngày càng mở rộng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bí thư tỉnh Hưng Yên đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, đồng thời đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của tỉnh về xây dựng và phát triển VHNT, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của các câu lạc bộ nghệ thuật văn hóa của các địa phương phát triển, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị VHNT truyền thống.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên tặng Bằng khen cho 24 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.