5 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, Sinh năm 1963, ở Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và 4 đồng phạm khác. Họ bị xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
|
Bị cáo Hưng nở nụ cười chào người thân. |
Người thừa nhận, kẻ chối tội
Sau bục khai báo, bị cáo Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) thừa nhận cáo trang truy tố mình về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng tội. “Hành vi của bị cáo mà cáo trạng miêu tả đúng ạ”, Long khai và cho biết hành vi của mình là sai và có tội.
Khi chủ tọa yêu cầu bị cáo trình bày lại hành vi gây khó khăn, chèn ép với hộ kinh doanh của chị Nghiêm Thúy Nga, Long nói mình không có hành vi gây khó khăn chèn ép. Long bảo từ trước bị cáo vẫn làm công việc hàng ngày xảy ra như thế, theo thỏa thuận với chủ hàng, ông ta thu đúng như thế.
Đến lượt mình, bị cáo Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”) cho rằng mình bị oan. Hải phủ nhận lời trình bày của chị Nga, anh Hải.
2 bị cáo thuộc nhân viên của tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên còn lại cũng thừa nhận mình có tội vì có hành vi không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền của vợ chồng chị Nga. Tuy nhiên, họ phủ nhận việc có hành vi chèn ép, gây khó khăn đối với bị hại.
Đến lượt mình, bị cáo Hưng nói bản thân không chỉ đạo nhân viên đi thu tiền. Theo lời khai của Hưng, nhiệm vụ của anh ta là chấm công, yêu cầu anh em thực hiện theo quy định của ban quản lý chợ.
“Bị cáo có phần lỗi và trách nhiệm đã buông lỏng quản lý nên để xảy ra việc các bị cáo khác thu tiền”, Hưng nói. Trước câu nói này, chủ tọa nói: “Lưu ý cho bị cáo, nếu các bị cáo thu tiền theo đúng như BQL thì không xảy ra chuyện. Các bị cáo không bốc dỡ hàng nhưng vẫn thu tiền của người ta. Lý do người ta phải nộp tiền vì các bị cáo cản trở, gây khó dễ cho người ta”.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Bị hại 2 lần có ý định tử tử
Khi được hỏi, bị hại Nga cho biết lời khai của bị cáo Long hoàn toàn không đúng sự thật. “Tôi không thuê họ bốc dỡ hàng hóa nhưng bị cáo Long vẫn bắt tôi nộp tiền. Tôi có video rất dài có ghi lại sự cự cãi giữa tôi với bị cáo Long”, chị Nga nói. Điều này cũng được anh Hà – chồng chị Nga khẳng định.
Về lý do phải nộp tiền cho các bị cáo dù họ không thuê bốc dỡ, chị Nga bảo họ bị gây khó dễ. Trong đó có đối tượng tên Cường nghiện nặng nhảy lên xe đe dọa, uy hiếp tinh thần vợ chồng họ và nhân viên. “Đấy là lý do chúng tôi không thuê mà vẫn phải nộp tiền”, chị Nga nói và cho biết họ có 20 nhân viên làm việc cho mình, chưa bao giờ phải thuê bốc dỡ.
Cũng theo lời chị Nga, trong số 5 bị cáo, có bị cáo Hải là người uy hiếp tinh thần chị. “Có lần Hải đến thu tiền còn nhổ toẹt vào mặt tôi trước mọi người. Chửi bới tôi”, bị hại nói và cho biết suốt một thời gian dài chị phải chịu đựng và có 2 lần chị định tự tử. Nguyên nhân là do các bị cáo gây ra.
Theo lời chia sẻ của chị Nga, có lần vợ chồng họ đang đi Thanh Hóa nhận được điện thoại của bạn hàng. Nghĩ đến việc đang bị các bị cáo chèn ép, gây khó dễ, không biết xe hàng về sẽ đỗ ở đâu, chị Nga uất ức quá, mở cửa xe định lao xuống đường cao tốc. May mắn chồng chị phát hiện, can ngăn.
Cũng theo bị hại, họ thiệt hại rất nhiều, đến giờ chưa thống kê được. Vợ chồng chị Nga cũng đề nghị tòa làm rõ số tiền bị chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng đã bị tách hành vi.
Theo cáo trạng, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (SN 1972, ở Phúc Xá, Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Quá trình kinh doanh tại đây, chị Nga, anh Hà thường xuyên bị Nguyễn Kim Hưng – tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương có hành vi đe dọa, chèn ép để bắt phải nộp nhiều loại tiền khác nhau. Do đó, ngày 10/8/2018, chị Nga và anh Hà đã gửi đơn tố cáo đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, theo quy định của Ban Quản lý chợ Long Biên, Hưng không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ, không có quyền đuổi xe, sắp xếp các xe trong chợ… Thế nhưng, để tăng thêm thu nhập cá nhân, dưới danh nghĩa là những nhân viên của tổ bốc dỡ số 2 thuộc chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo Vương, Hải, Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của gia đình anh Hà, chị Nga.
Họ đã đuổi, không cho xe ô tô của hộ kinh doanh anh Hà - chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước ki ốt, kéo cá thối để cạnh ki ốt của chị Nga, đuổi không cho nhân viên của anh chị Nga – Hà bốc dỡ hàng hóa nhưng anh chị vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm của Hưng “kính”…
Theo tài liệu do chị Nga và anh Hà cung cấp, từ ngày 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng, Hải cùng Long, Vương đã thu của họ tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong đó, Hải thu được hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng. Trong đó, họ chỉ nộp về Ban Quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.