Có một không gian phim trường, áo dài
Sau 22 năm, từ năm 1999 đến nay LHP Việt Nam mới trở lại với TP Huế, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp văn hóa, di sản của quê hương, con người đất cố đô.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 22, có 2 sự kiện liên quan đến áo dài được chú ý gồm Lễ hội Áo dài & Điện ảnh và chương trình Người Huế & Áo dài. Đây là hai sự kiện nằm tôn vinh chiếc áo dài truyền thống thông qua nhiều hoạt động kết hợp giữa nghệ thuật như trưng bày, biểu diễn và các hoạt động cộng đồng.
Chương trình đầu tiên là khám phá phim trường ở Huế với đội ngũ người mẫu trong trang phục áo dài ngũ thân. Đây là chương trình nằm trong chiến lược quảng bá quan trọng về hình ảnh “Huế - Kinh đô áo dài” và “Huế - điểm đến an toàn và thân thiện” tới đông đảo người dân, du khách.
Chương trình này mang lại cho du khách một trải nghiệm mới mẻ là được diện trang phục áo dài ngũ thân truyền thống của xứ Huế, ngồi trên xe điện thân thiện với môi trường, đến check - in các điểm tham quan đặc sắc - từng là bối cảnh phim trường của rất một số bộ phim thành công của Việt Nam trong thời gian vừa qua như cung An Định, Ngọ Môn - Hoàng Cung Huế, nhà vườn An Hiên, chùa Thiên Mụ…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, những năm gần đây, nhiều đạo diễn, đoàn làm phim đã chọn cố đô làm bối cảnh quay phim. Bên cạnh các di sản của vùng đất cố đô cổ kính, các đoàn làm phim đã khai thác nhiều khung cảnh lãng mạn, hữu tình của xứ Huế trong các phim “Nàng thơ xứ Huế”, “Kiều”, loạt phim “Gái già lắm chiêu”, “Mắt biếc”…
Trong chương trình trải nghiệm tiếp theo, du khách được tìm hiểu dấu ấn triều Nguyễn và nét văn hóa Huế. Đoàn xuất phát từ thành phố Huế đến tham quan, tìm hiểu tại quần thể lăng Gia Long (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) - lăng tẩm của vua Gia Long, người sáng lập triều Nguyễn. Sau đó là không gian Huế Lotus Homestay (đường Minh Mạng, TP Huế), trải nghiệm một số hoạt động trình diễn nghệ thuật và quảng diễn nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa Huế. Sau khi kết thúc hành trình, các đại biểu sẽ thưởng thức ẩm thực Huế.
Trong sự kiện văn hóa quy tụ các đại diện của bộ môn nghệ thuật thứ bảy đến từ 3 miền, tinh thần chung của đêm hội “Áo dài và điện ảnh” sẽ mang dấu ấn của các nhà thiết kế ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đó là câu chuyện sinh động về lịch sử hình thành, phát triển và nét đặc trưng của chiếc áo dài Huế, áo dài Việt, từng một thời là quốc phục của dân tộc, cùng những nỗ lực của thế hệ tiếp nối trong công cuộc phục hưng áo dài, để giấc mơ “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” sớm trở thành hiện thực.
Bộ sưu tập “Lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ” của nhà thiết kế (NTK) Huỳnh Lê Bảo Ngọc khắc họa tiến trình lịch sử hình thành nên chiếc áo dài Việt Nam qua các giai đoạn, từ áo năm thân nhà Nguyễn, áo dài Lemur - Cát Tường, áo dài Raglan đến áo dài chít eo, áo dài thời trang… Và như thế qua bao thế hệ, áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tôn được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người Việt.
Nếu áo dài nữ luôn thăng hoa trong sáng tạo thì áo dài nam giới cũng được chú trọng trong bộ sưu tập “Áo dài ngũ thân” của NTK Quang Hòa. Lấy cảm hứng từ áo dài ngũ thân nam, trang phục được khai sáng từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, các mẫu thiết kế thể hiện tinh thần tự tôn yêu nước ngày xưa, nay được thế hệ sau kế thừa và nỗ lực đưa vào đời sống qua những kiểu trang trí mới nhưng vẫn bảo lưu kiểu dáng, kỹ thuật cắt may cũ.
Điểm nhấn của chương trình có thể kể đến bộ sưu tập “Áo dài và điện ảnh” của họa sĩ Võ Quang Phát được lấy cảm hứng từ poster của 27 bộ phim tham dự liên hoan phim. Các poster được vẽ và nhuộm lên áo dài là sự kết hợp để tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, ghi nhận thành quả lao động của các đoàn phim.
Cũng lấy cảm hứng từ điện ảnh, NTK Trần Thiện Khánh trình làng bộ sưu tập “Hoa bạch trà” với những mẫu thiết kế thể hiện vẻ đẹp của di sản Huế là bối cảnh trong các bộ phim: “Ngọn nến hoàng cung”, “Đông Dương”, “Gái già lắm chiêu”, các MV ca nhạc…
Ngoài chương trình “Áo dài và điện ảnh”, vẻ đẹp tà áo dài tiếp tục được tôn vinh trong hoạt động cộng đồng “Người dân Huế và áo dài”. Gần 150 nam nữ người Huế “khoe” vẻ đẹp của chiếc áo dài tại lối đi bộ cầu Trường Tiền và cầu gỗ lim, bán nguyệt cùng chương trình đồng diễn Flashmod tại sân bia Quốc Học trong trang phục áo dài.
Để quảng bá và tôn vinh áo dài trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể Thao đã phát động tuần lễ “Người Huế mặc áo dài” từ ngày diễn ra LHP đến ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Huế mặc áo dài để tham gia các sự kiện và đi làm, như cán bộ công sở, tiểu thương các chợ, giáo viên và cán bộ ngành giáo dục, ngành văn hóa thể thao, du lịch, di tích…
Và “song kiếm, hiệp bích”!
Theo TS Phan Thanh Hải, chúng ta cũng thấy rất rõ một số quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã xây dựng hẳn những chiến lược dùng điện ảnh để phát triển kinh tế và quảng bá về đất nước, văn hóa của mình, tiêu biểu như Trung Quốc, Thái Lan..., mà đặc biệt là Hàn Quốc.
Có thể nói điện ảnh của Hàn Quốc đã khiến cả thế giới biết đến vẻ đẹp và văn hóa đặc sắc của một quốc gia ở Đông Á, gắn liền với thương hiệu của ẩm thực (kim chi) và trang phục truyền thống (hanbok). Kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc sẽ rất hữu ích cho điện ảnh Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TS Phan Thanh Hải cho biết, cố đô Huế là địa phương đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng của Di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc Huế.
Các ngành công nghiệp văn hóa trong đó điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa là những ngành trọng tâm. Áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa nên đặc biệt được xem trọng. Và bản thân “Áo dài Huế” đã là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa thích.
Tại Huế, đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” và đề án này đang được triển khai mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng các tầng lớp nhân dân. Cố đô Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn.
Sau đổi mới, TP Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Và từ năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Với điện ảnh, dù đã là điểm đến quen thuộc của nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước, Huế vẫn đang cố gắng để quảng bá những tiềm năng to lớn của mình về di sản văn hóa và thiên nhiên và tìm cách thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này để xây dựng hệ thống phim trường chuyên nghiệp.
Sự kết hợp giữa áo dài và điện ảnh sẽ là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của vùng đất Cố đô. Bởi vậy, bên cạnh các chiến dịch truyền thông, Huế cũng đã trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị xây dựng một số bộ phim lấy chủ đề về áo dài để tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII như Đại thi hào Nguyễn Du, Trong bóng áo dài, Vũ khúc Phượng hoàng, Xứ Huế và Áo dài...
Như vậy, áo dài sẽ song hành cùng điện ảnh và nhờ điện ảnh để quảng bá về lối sống, con người cùng nét đẹp về văn hóa trang phục của Cố đô.
“Từ kinh nghiệm của Huế, tôi cho rằng, mỗi địa phương cần nhìn nhận, đánh giá chính xác tiềm năng của mình về di sản văn hóa và thiên nhiên để chọn cho mình con đường phát triển phù hợp. Và từ phương diện vĩ mô, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có sự định hướng và cách hỗ trợ đúng và trúng cho các địa phương trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có gắn liền với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay”- TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
Áo dài làm cho nghệ thuật thứ bảy thêm quyến rũ
Tại cuộc họp báo công bố về LHP Việt Nam lần thứ XXII, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL khẳng định: Một trong 5 điểm mới của LHP lần này là “Xác định lại các giá trị truyền thống và tôn vinh áo dài”. Điều đó có nghĩa Áo dài là một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, xứng đáng được tôn vinh. Trong những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như Lều chõng, Long Thành cầm giả ca, Áo lụa Hà Đông, Cô Ba Sài Gòn, Lý áo dài... đã tạo ra những cơn sốt trên thị trường phim ảnh, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc. Có thể nói, trên một góc độ nào đó, chính điện ảnh đã đưa áo dài Việt đến với cả thế giới và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp về bộ quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Và ở chiều ngược lại, áo dài đã làm cho điện ảnh thêm mềm mại, quyến rũ và mang đậm bản sắc độc đáo, riêng có…