Theo UBND TP. Huế, hiện đang vào mùa chim di cư, đã xuất hiện tình trạng giăng lưới, dùng các dụng cụ (như cò giả, cò mồi, bẫy, loa dẫn dụ chim…) để bẫy, bắt chim trời ở một số xã, phường trên địa bàn thành phố.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên tiến tới hạn chế tối đa nạn săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời, Chủ tịch UBND TP. Huế yêu cầu các xã, phường, thủ trưởng các phòng ban chuyên môn thuộc thành phố tích cực tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời trái quy định.
UBND TP. Huế cũng chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim trời; tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ý cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài chim trời.
Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài chim trời và các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài chim trời.
Các cơ quan được yêu cầu tăng cường kiểm tra, nắm bắt các đối tượng mua bán, săn bắt các loại chim trời ở các chợ, khu dân cư, đồng ruộng, bìa rừng; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm minh các vụ, việc vi phạm nhằm răn đe, giáo dục.
Được biết, trước tình trạng khai thác, săn bắt chim trời diễn ra phức tạp, mới đây, lực lượng Công an xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc đã ra quân ngăn chặn, xử lý tình trạng săn bắt chim trời.
Theo đó, từ ngày 17 đến 19/9/2021, tại các cánh đồng, Công an xã Lộc Trì thu giữ hơn 200 con cò giả bằng xốp và gần 1.000 que dính nhựa dùng để giăng bẫy.
Công an các địa phương khác của huyện Phú Lộc cũng thu giữ hàng trăm cò giả, cùng hàng ngàn dụng cụ để săn bắt, khai thác chim trời. Quá trình ngăn chặn, xử lý, lực lượng Công an toàn huyện đã giải cứu hàng trăm con cò sống, thả về với môi trường tự nhiên.
Thời gian qua, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực tuyên truyền các quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhưng vấn nạn săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời như vịt trời, chim cu, chim cuốc, trích cồ, cổ rắn, vạc, cò trắng... vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật mức phạt từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng...