Hue Eco Homestay, cách trung tâm thành phố không quá xa (từ 2 - 2.5km) tại số 48 xóm 1, Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang với một không gian xanh mát và cực kỳ yên tĩnh. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh - chủ nhân Hue Eco Homestay sử dụng 100% đồ dùng sinh hoạt trong không gian sống đều là những phế phẩm vứt đi. Những đồ dùng này được chị cùng một số người trẻ yêu môi trường cùng nhau chỉnh sửa, trang trí lại. Mỗi món đồ trong căn nhà là một câu chuyện gắn liền với nó, mỗi căn phòng cũng có tên gọi riêng ẩn giấu đầy kỉ niệm của chủ nhân..
Có thời gian gắn bó trước đây với các tổ chức phi chính phủ, chứng kiến những ảnh hưởng nghiêm trọng của rác thải, nhất là rác thải nhựa và ni lon khó phân hủy đối với môi trường. Chị Quỳnh Anh luôn ấp ủ một kế hoạch hành động để kêu gọi mọi người cùng chung tay giảm thiểu bớt tác hại của rác thải. Các hành động của chị luôn thực hiện với tiêu chí nói không với việc sử dụng túi nylon và đồ nhựa với phương châm 4R (Rethink, Reuse, Reduce and Recycle) – Suy nghĩ lại – Tái sử dụng – Giảm bớt đi và Tái chế.
Sau 2 năm tiến hành nghiên cứu, kêu gọi mọi người chung tay thu gom rác thải, chị Quỳnh Anh đã thu được hơn 60 chai nhựa chứa đầy khoảng 18kg rác ni lon, nhựa, xốp khó phân hủy (chai rác này được gọi là chai rác sinh thái / gạch sinh thái – eco bin / eco brick). Từ đó chị bắt tay vào cải tạo, trang trí cho homestay xinh xắn và thân thiện với môi trường.
Những viên gạch bông bị lỗi được tận dụng cho từng không gian riêng của ngôi nhà |
Mỗi không gian, lối đi là một câu chuyện vô tình mà chị Quỳnh Anh bố trí để tạo nên sự mới lạ, khác biệt cho trải nghiệm của mỗi người. Như những viên gạch nhỏ lát sàn, bậc cấp đều không giống nhau từ hoa văn, họa tiết và màu sắc.
Chị Quỳnh Anh chia sẻ: “Đây là những viên gạch bông được làm bằng tay nhưng bị lỗi, công đoạn làm tay để ra được một viên gạch thì khá công phu với chi phí cao. Vừa đúng tinh thần chung 4R của Homestay nên mình đã tận tay đi lựa những mẫu gạch lỗi về đưa vào tận dụng lại, một phần cũng sẽ giúp cho cơ sở sản xuất đỡ phải vứt bỏ nguồn gạch lỗi này.”
Bằng sự nghiêm túc và sáng tạo trong chính cách làm của mình, chị luôn muốn làm tốt nhất để tận dụng hiệu quả mọi đồ vật cũ bị vứt bỏ. Nên hiện tại, sau một thời gian lựa chọn bằng tâm huyết, ngôi nhà được lót bằng hơn 15 mẫu gạch khác nhau được đan xen rất độc đáo, rất nhiều du khách cũng lấy làm thích thú với cách bài trì chưa từng có này.
Hay khi đặt chân đến với căn phòng “Trash - Ôm rác vào lòng” , nhiều người tỏ ra vô cùng lạ lẫm bởi tên gọi như vậy. Khi bước chân vào phòng, đập ngay vào mắt mọi người là những chai nhựa 1,5L được kê quanh dưới chân giường. Những chai nhựa được lấp đầy bởi bao bì ni lon, rác thải nhựa và đặt dọc quanh giường nhờ thiết kế riêng có khe rãnh để xếp đều các chai rác sinh thái.
Thay vì giao phó nguồn rác khó phân hủy này cho môi trường, nơi đây đã tự nguyện tạm “ôm rác vào lòng” chờ hướng xử lý sau. Ngay tại phòng này, các du khách khi đến lưu trú cũng sẽ được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện việc xử lý sạch bao bì ni lon và nhét đầy vào chai nhựa. Chính những điều đó tạo nên tên gọi riêng cho căn phòng.
Không gian phòng ngủ Trash - Ôm rác vào lòng |
Mỗi đồ vật cũng sẽ có câu chuyện gắn liền với nó được chị Quỳnh Anh làm một tờ note nhỏ ngay bên cạnh để du khách tiện theo dõi. Đó là 16 bánh xe ba gác và trụ nhổ bằng đồng đã có từ 100 năm trước của ông nội để lại được chị làm thành tay vịn cầu thang phía trong nhà. Hay là những mảnh gỗ kiềng ngày xưa được gia đình dựng vội sau cơn lũ lịch sử miền Trung 1999 cũng được tận dụng để làm các đồ vật trong homestay. Mỗi đồ vật, dù nhỏ nhất đều được chị sử dụng và chế tạo thành những món trang trí độc lạ cho căn nhà.
Hướng đến lối sống “Zero waste – Tái sử dụng tất cả các loại rác đến 0”, homestay đang nổ lực thực hiện các hành động nhằm kéo dài vòng đời và tuổi thọ cho rác thải để hạn chế sự ô nhiễm môi trường. Tiến tới hành động không xả rác thải, các vật dụng như vỏ trái cây, rau củ quả cũ, bã cà phê, vỏ trứng,… đều được chị Quỳnh Anh và mọi người tận dụng triệt để. Chị cho biết, các vỏ trái cây có thể tận dụng để làm ra nước rửa tay sinh học, cực kỳ an toàn với da tay cũng như môi trường. Ngoài ra, những phế phẩm từ nhà bếp (rau củ, vỏ hành, vỏ bầu bí…) đều được tận dụng để ủ phân tự nhiên, và bón cho cây cối quanh vườn.
Tại Hue Eco Homestay, nước rửa tay sinh học được làm từ vỏ trái cây, thân thiện với môi trường |
Động lực mỗi ngày giúp chị thúc đẩy mô hình sinh thái này chính là sự hưởng ứng, động viên và lan tỏa của cộng đồng: “Từ khi mình làm mô hình này, rất nhiều người đã đến hỏi, cũng như chung tay thực hiện cùng gom rác. Một số người ở các tỉnh khác cũng chủ động liên lạc và chia sẻ thêm kinh nghiệm trong quá trình chế tác ra các đồ vật từ chai lọ nhựa vứt đi.
Rất nhiều du khách sau khi đến ở đây, lúc quay trở về nhà đã áp dụng ngay và tận dụng làm những lọ hoa từ chai nhựa, chụp hình gửi lại khoe với mình. Đây chính là những niềm vui, niềm khích lệ thêm cho mình với sứ mệnh bảo vệ môi trường này . Vì vậy mình rất mong muốn mô hình Eco (sinh thái) này sẽ được lan tỏa, nhân rộng nhiều hơn nữa vì một môi trường Xanh.”
Trong sinh hoạt hàng ngày, chị Quỳnh Anh cũng tiếp tục tuyên truyền cho gia đình và mọi người về tác hại của rác thải nylon, rác thải nhựa và sự tác động của nó đến với môi trường. Mỗi ngày đi chợ chị thường mang theo giỏ, hộp đựng thức ăn và mang theo cả những bì ni lon đã được làm sạch, phơi khô để cho những mệ già bán rau tại chợ tái sử dụng lại. Nhiều người dân lúc đầu còn lạ lẫm, khó hiểu, đến bây giờ, hầu như một số nơi bán hàng tại chợ gần như không sử dụng bao ni lon khi bán hàng cho chị.
“Hãy hành động - Action please” gần như là kim chỉ nam để thôi thúc hành động của mỗi người khi đặt chân đến đây. Ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như thế, chị Quỳnh Anh luôn muốn cố gắng làm nhiều nhất có thể vì môi trường. Rác thải vẫn còn có những công dụng của nó, bằng tâm huyết và nỗ lực, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể biến chúng thành những vật dụng có ích, vậy hãy xả rác một cách có ý thức, văn minh và tiết kiệm nhất.
Tại nơi đây, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, du khách, việc quảng bá các sản phẩm làm từ thiên nhiên, từ những nguyên liệu địa phương cũng được đẩy mạnh. Hiện các sản phẩm như Trà vương tôn, túi thơm từ cây cỏ, xà phòng tắm, son dưỡng môi từ tinh dầu dừa, sả chanh, nón lá sen, hoa giấy do các bạn trẻ khuyết tật làm… đều được để sẵn và giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.
Tuy chỉ mới đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019 nhưng mô hình này đã được rất nhiều người dân và du khách khắp cả nước biết đến và ủng hộ. Hi vọng sẽ có nhiều hơn những hành động như thế này để góp phần cải thiện môi trường sống và không gian xanh cho mọi người. Mô hình của Hue Eco Homestay cũng đã đi đúng chủ trương Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của tỉnh Thừa Thiên - Huế và những dự án xanh của thành phố, từ đó góp phần đẩy mạnh xu hướng du lịch sinh thái, thu hút du khách tham quan và tăng trưởng nền kinh tế nước nhà.