Điều này đã khiến hàng trăm hộ dân ở hai phường An Cựu và phường An Tây (TP Huế) sống thấp thỏm, lo âu trong những căn nhà tạm bợ chờ ngày di dời.
Sống lay lắt trên dự án “đi bộ”
Theo Quyết định, dự án quy hoạch xây dựng làng Đại học Huế (tại phường An Tây và An Cựu) có tổng diện tích 120 ha, các trường đại học hiện có là 26,5 ha. Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1365/QĐ-UB ngày 19/10/2014 với diện tích 113,54 ha.
Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1- Bước 1 được thực hiện từ năm 1999 đến 2005 với tổng mức đầu tư trên 69 tỷ đồng; Giai đoạn 1- Bước 2 được thực hiện từ năm 2006 với tổng mức đầu tư trên 349,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2 được phê duyệt cuối năm 2014 với mức đầu tư 259 tỷ đồng, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2018.
Theo quy hoạch được phê duyệt, làng Đại học Huế sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh, hiện đại với các khu học tập, nghiên cứu và phục vụ điều hành; khu ký túc xá với trung tâm dịch vụ công cộng; khu cây xanh công viên, thể dục thể thao bố trí tại trung tâm trường và đệm giữa khu nghiên cứu học tập với khu ký túc xá;... Tuy nhiên, sự chậm chạp do thiếu vốn và công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã khiến người dân địa phương phải sống khổ sở trong những căn nhà tạm bợ.
Ông Lê Lu (SN 1959, tổ 21, khu vực 4, phường An Cựu) bức xúc cho biết: “Gia đình tôi ở đây đã hơn hai mươi năm nay. Từ khi dự án bắt đầu triển khai thì những người dân sống trên khu vực quy hoạch nghe nói có thông báo đền bù di dời để thực hiện dự án. Thế nhưng đến nay, chúng tôi vẫn mỏi cổ chờ. Giờ nhà cửa xuống cấp, muốn xây thêm thì phường không cho. Nếu cho ở luôn thì được còn đây cứ thụt lui thụt tới khiến cuộc sống của chúng tôi không ngày nào yên…”.
Cùng nỗi bức xúc, ông Hoàng Ân (tổ 21, KV4, phường An Cựu, TP Huế) cho hay, cả gia đình ông về đây sống đã hơn 22 năm nay. Nhà cửa từ thuở ban đầu cho đến nay vẫn vậy, không được sửa chữa, xây dựng nhà vì đất “dính” quy hoạch. Cách đây nhiều năm, nghe nói sẽ giải tỏa, đưa dân cư ở đây đi tái định cư. Những năm sau đó cũng lại được thông báo giải tỏa mà không thấy biến chuyển gì.
Không biết “treo” đến bao giờ
Ông Đoàn Bình Lương- Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu cho hay, dự án kéo dài khiến cuộc sống người dân không thể ổn định được; việc đền bù cũng theo kiểu “cuốn chiếu” tức là làm chỗ nào thì đền bù chỗ đó khiến người dân rất khó khăn và địa phương cũng khổ theo. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì.
Không chỉ những người dân tại phường An Cựu mòn mỏi chờ đền bù, di dời mà tình cảnh đó cũng diễn ra đối với hơn 150 hộ dân ở xóm Gióng, phường An Tây, TP Huế. PGS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế cho biết, dự án chậm tiến độ do giải tỏa mặt bằng chưa xong và vướng đền bù. Có một mâu thuẫn là đền bù thì thiếu tiền, mà nhu cầu giải tỏa thì nhiều. Đại học Huế đang trình việc điều chỉnh quy hoạch của tỉnh lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng, nhất là xin thêm kinh phí giai đoạn 2 nhưng hiện tại nghe quá khó khăn…”.
Ông Ngô Văn Tuấn - Trưởng ban Cơ sở vật chất Đại học Huế cho biết, tới nay sau gần 20 năm thực hiện, trên khu đất quy hoạch mới giải phóng mặt bằng khoảng 60 ha (tức là chỉ mới một nửa diện tích) và đã xây dựng các công trình với gần 12.000m2 sàn gồm một số công trình như Khoa Giáo dục thể chất, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Nhà thi đấu thể thao Đại học Huế, 10 khu ký túc xá sinh viên...
“Nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do “vướng” nguồn vốn. Chúng tôi cũng như tỉnh cũng đã kiến nghị nhiều lần đề nghị các bộ, ban ngành cấp vồn đền bù dứt điểm, nhằm giúp cho đời sống người dân bớt khó khăn hơn nhưng chưa biết khi nào mới có nguồn vốn để giải quyết đền bù. Không có nguồn vốn, việc thi công các công trình, hạng mục dang dở chưa biết đến khi nào xong. Hiện chỉ mới đền bù, di dời được 46/238 hộ. Số còn lại còn phải chờ kinh phí mới có thể di dời được. Không biết dự án sẽ “treo” đến bao giờ…”- ông Tuấn chia sẻ.