Bộ phim có cái tên khá dài Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt đã thu đươc doanh thu đáng kể sau một tháng công chiếu. Những phản ứng xung quanh bộ phim và nhiều phim điện ảnh phản ánh những đề tài nóng bỏng trong xã hội gần đây cho thấy, dù còn có nhiều trái chiều, nhưng đang có nhiều dấu hiệu đáng mừng cho thấy có sự thu hẹp tình trạng lệch pha (phim có giá trị nghệ thuật thì không ăn khách, phim hút khách lại kém về mặt nghệ thuật) tồn tại lâu nay trong điện ảnh Việt.
Một cảnh trong phim “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt” |
Công chiếu từ 14/10, ngay những ngày đầu, “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt” đã công bố doanh thu đáng kể: 1 tỉ đồng mỗi ngày! Không thể phủ nhận một trong những lý do khiến sản phẩm điện ảnh của Vũ Ngọc Đãng kéo khán giả đến rạp, đó là việc khai thác đề tài đang nóng bỏng: đồng tính nam và tệ nạn mại dâm đồng tính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía khán giả cho thấy các lý do để bộ phim có cái tựa khá sốc lấy được tình cảm người xem, chính là việc đề tài sốc đã được chuyển tải khá thuyết phục và nhân văn, tạo nhiều cảm xúc.
Bàn về bộ phim, một khán giả có nick name ngoc¬han, thành viên diễn đàn yume chia sẻ: “Phải nói rằng, một trong những thành công nhất của bộ phim là đã đưa ra một cái nhìn vừa chân thực, vừa cảm thông, vừa tiến bộ và mang tính thời đại với những con người vốn được xem là dị biệt, là lệch lạc. Ở một chừng mực nào đó, bộ phim góp phần xóa đi định kiến của một số người trước những vấn đề xã hội nhức nhối, tạo niềm tin và hi vọng cho chính những người thuộc thế giới thứ ba, và quan trọng nhất, đã thành công trong việc làm ấm lòng những trái tim đang bị tổn thương của những con người bị gán hai chữ “dị biệt” vào số phận... Mình cũng như nhiều khán giả trong rạp đã cười và khóc cùng những nhân vật trong phim”.
Một tháng sau khi ra rạp, “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt” đã xua tan đa phần ý kiến của mọi người về một phim giải trí đơn thuần. Yếu tố để bộ phim thêm “nặng kí” với dư luận là việc tham gia Liên hoan phim Toronto và được ban giám khảo đánh giá tốt, cũng như tranh tài tại Liên hoan phim Vancouver trong tháng 10.
Tuy nhiên, nếu tính về mặt giải thưởng, cũng như các “ưu điểm” với thị trường như đề tài nóng, cảnh nóng, thì trước “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt” đã có khá nhiều như “Chơi vơi”, “Sống trong sợ hãi” (Bùi Thạc Chuyên), “Trái tim bé bỏng” (Thanh Vân), hay gần đây nhất là “Bi, đừng sợ” (Phan Đăng Di)...
Nhiều bộ phim không chỉ “đang tranh”, mà là “đã nhận”, không chỉ một mà thậm chí “được mùa” giải thưởng trong và ngoài nước, thành công đáng kể ở nước ngoài nhưng khi công chiếu trong nước thì khán giả... lắc đầu. “Trái tim bé bỏng”, “Sống trong sợ hãi” công chiếu ngay sau khi đoạt giải nhưng khán giả vẫn thờ ơ, còn gần đây, “Bi, đừng sợ” được các nhà phê bình phim đánh giá cao, gây tiếng vang và nhận nhiều giải thưởng uy tín, nhưng khi về nước lại không được khán giả đón nhận, bị phản ứng, và không ít đánh giá không tốt ngay từ các đồng nghiệp.
Được đánh giá là phim “có tính nghệ thuật”, “Hot boy nổi lọan và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt” mặc dù chỉ dừng ở yếu tố lạ và giàu cảm xúc chứ chưa đạt đến ngưỡng thật sự sâu sắc, nhưng đã dung hòa được giữa yếu tố nghệ thuật và yếu tố thị trường. Từ những minh chứng tuy còn khá ít ỏi, và xu hướng tuy mới định hình, vẫn có thể thấy, giữa tính nghệ thuật và tính thị trường trong điện ảnh căn bản không có sự mâu thuẫn. Có chăng chỉ là sự “lệch pha”, mà nếu nghiêm túc đầu tư, tìm hiểu và nắm bắt mong muốn - chứ không phải nhu cầu, các nhà làm phim hoàn toàn có thể “chỉnh” lại, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa được đông đảo công chúng đón nhận, yêu thích.
Ngọc Mai