Một clip hướng dẫn chế tạo súng. |
Những kẻ sát nhân “bước ra” từ internet
Năm 2009, Công an TP. HCM bắt giữ một đối tượng đặt mìn tự chế ở khu vực nhà vệ sinh bên trong Khách sạn Legend Sài Gòn để tống tiền 20.000 USD. Chưa kịp ra điều kiện với “con mồi”, kẻ này đã bị bắt. Tại cơ quan điều tra, hắn khai tên là Võ Anh Tuấn, 22 tuổi, và trú ở quận 5, TP.HCM. Khi điều tra viên hỏi nguồn gốc quả mìn để trong toa-lét, Anh Tuấn khai đã “tự nghiên cứu” theo cách thức chế tạo mìn trên internet. Tuấn còn cho hay việc chế mìn không hề khó khăn, và “đồ dùng” để chế mìn cũng quá dễ để tìm kiếm.
Ngay từ thời điểm này, lực lượng công an đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các trang web chứa nội dung “dạy dỗ tử thần” nói trên nhưng tình hình ngày càng trở nên tồi tệ và không thể kiểm soát. Các trang web như trên nhan nhản, các “bài dạy” giết người hay tạo ra phương tiện giết người không hề lường được hậu quả vẫn là một sự thách thức cơ quan chức năng. Cụ thể, chỉ trong vòng 0,32 giây, gõ từ khóa “cách chế thuốc nổ” trên google, sẽ nhận 20.500 kết quả, trong đó có nhiều đoạn video. Còn với từ khóa “cách chế tạo súng” thì trong 0,24 giây cho đến 114.000 kết quả, bao gồm các video.
Vụ việc đau lòng xảy ra gần nhất là 4 sinh viên chết thảm và một sinh viên khác bỏng nặng khi mày mò chế thuốc nổ ở TP. HCM. Theo thông tin từ Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, nguyên nhân của vụ nổ được xác định có thể là do sinh viên Đoàn Trọng Hiếu ở Đắk Nông đã tự mua hóa chất gồm lưu huỳnh, magie và một số hóa chất phụ khác từ chợ Kim Biên, quận 5 về để chế tạo pháo đốt Tết.
Điều đáng nói là các sinh viên cùng nơi trọ cho hay, trước đó thấy Hiếu lên mạng mày mò tìm công thức và các hướng dẫn để chế tạo pháo. Khi tìm được công thức, Hiếu bắt đầu thực nghiệm, pha chế thử và cuối cùng là chưa thấy pháo đâu, đã thấy 4 cái chết tức tưởi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Cạnh việc dạy chế mìn là các giáo trình dạy chế súng. Đơn giản, dễ làm đến nỗi trẻ con cũng có thể tạo ra những cây súng gây chết người. Vụ việc xảy ra ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam mới đây là một ví dụ. Một khẩu súng do học sinh tự chế đã bắn chết một con bò. Em Bùi Nguyên Nhật, học sinh lớp 11 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), một trong những học sinh tham gia “dự án làm súng tự chế” nói: “Theo hướng dẫn trên mạng, rất dễ làm và dễ tìm vật dụng để làm. Chỉ cần tận dụng những ống nước bằng nhựa, van ruột xe đạp, chai nhựa… là có thể chế một khẩu súng có sức công phá rất mạnh”.
Ngoài những bài học được trả giá bằng mạng sống và tù tội khi học và thực hành theo internet như trên, ngày ngày trên mạng đầy rẫy những thông tin, cách dạy nhau tiêu cực, nguy hiểm. Đó là “giáo trình” dạy tự sát, dạy… trốn nghĩa vụ quân sự, dạy ăn cắp điện, dạy trốn thuế… Tất cả những sự “dạy dỗ” này đẩy người “học” vào con đường vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Dạy cướp ngân hàng
Trên mạng còn có những cách dạy nhau, tuy chưa “áp dụng” trong thực tế nhưng là một “dự báo” hoàn toàn có thể xảy ra khi có người cố tình học theo. Trên một trang của Yahoo, một thành viên hỏi: “Muốn cướp nhà băng quá, ai bày cách giùm đi?”. Có rất nhiều câu trả lời, chẳng hạn như: “Mua một khẩu súng, bịt mặt, vào ngân hàng hô lên: Tất cả nằm xuống, đặt tay lên đầu, cướp nhà băng đây!”.
Trên một trang mạng khác là câu hỏi: “Làm sao để cướp ngân hàng mà không bị bắt?”. Thậm chí câu hỏi này còn có một lưu ý đi kèm: “Không hỏi chơi đâu. Ai có kế hoạch hay như trong phim, thực như ngoài đời thì post nhé…”. Chủ đề cướp ngân hàng cũng nhận được vô số câu trả lời, trong đó có những câu trả lời kiểu “chuyên nghiệp” như: “Chọn địa thế; chọn đúng đối tượng để cướp; khảo sát; test nghiệp vụ xử lý tình huống của ngân hàng; tiến hành cướp; tẩu tán, rửa tiền và xóa dấu vết”.
Hẳn đến đây thì không đơn thuần là chuyện “giỡn chơi cho vui” mà đã định hướng một cách dạy nhau vi phạm pháp luật, dạy nhau trở thành những tên tội phạm nguy hiểm và dạy nhau các kịch bản phạm tội một cách chuyên nghiệp.
Mặt trái của truyền thông Internet
Không thể phủ nhận những giá trị giáo dục quan trọng mà Internet mang lại. Đó là nguồn tài nguyên tri thức mà cả nhân loại “xài chung”, chỉ sau một từ khóa hay một cái click chuột. Nhưng mặt trái của nó là những tác hại không thể nào đong đếm. Nó góp phần dẫn đến những bi kịch chết chóc, bi kịch tù tội, góp phần tha hóa nhân cách con người, nhất là định hướng con người vào những giá trị lệch chuẩn.
Pháp luật có quy định về việc công bố thông tin trên mạng, đặc biệt là Nghị định số 72 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nhưng dường như thực tế hành lang pháp lý này chưa đủ mạnh nên chưa thấy một ai bị phạt khi “ném” những “giáo trình” đề cập trong bài viết này lên mạng. Pháp luật dường như trở nên bất lực khi kiểm soát và quản lý những dạng thông tin này trên Internet? Chừng nào những dạng “rác” thông tin này được dọn sạch bằng chế tài và ý thức của người “đưa tin” thì chừng đó mới mong hết những sự cố đau lòng mà mặt trái của Internet mang lại.