Trong nhiều năm trở lại đây, thú chơi nhà gỗ truyền thống nở rộ thành phong trào, được nhiều người ưa chuộng. Theo ông Lại Ngọc Chung, một “thợ săn” nhà gỗ lâu năm tại Thạch Thất (Hà Nội), tầng lớp thượng lưu Việt hiện nay rất chuộng nhà gỗ, càng cổ càng có giá và ưu tiên nhà cũ của tầng lớp đại quan thời phong kiến.
"Nhà gỗ cổ của quan lại, địa chủ thường được làm từ gỗ lim, đinh hương với hệ thống cột, kèo... được chạm khắc họa tiết rồng phượng rất đẹp, tinh xảo. Dù có tuổi đời hàng trăm năm song các căn nhà cổ này vẫn thể hiện được bàn tay tài hoa của người thợ, nhiều căn nhà thợ mộc ngày nay khó có thể tạo khắc ra các mẫu họa tiết đẹp như thế", ông Chung khẳng định.
Nhà cổ của tầng lớp quan lại, địa chủ thời xưa được ưa chuộng nhờ họa tiết trang trí tinh xảo |
Giá của một căn nhà gỗ sẽ tùy thuộc vào chất liệu, diện tích xây dựng, rẻ nhất là những công trình làm từ gỗ xoan, gỗ tạp, đắt và xa xỉ hơn là những loại gỗ cao cấp như: Đinh, Lim, Sến, Táu… Để hoàn thiện được một căn nhà gỗ trung bình phải mất từ 3-6 tháng.
Tuy nhiên, trước đây nguồn nhà gỗ truyền thống còn rất nhiều ở các làng ven đô như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh,... thì nay, muốn tìm nguồn nhà gỗ mới phải đi xa hơn, về các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. Thậm chí, nhiều “thợ săn” phải lặn lội vào các bản làng dân tộc Mường, Thái, Dao để tìm nguồn gỗ quý. Không những thế, hiện nay nguồn nhà cổ đang dần khan hiếm, chất lượng nhà gỗ cũng ngày càng xuống cấp. Việc thuyết phục các chủ nhà đồng ý sang nhượng lại nhà cổ cũng không phải đơn giản.
Cái khó là thế nhưng bù lại tiền công khi mua lại được những căn nhà gỗ này lại cao ngất ngưởng. Đối với nhà gỗ bình dân làm từ gỗ xoan, dổi, các công đoạn tháo nhà cũ và lắp nhà mới khá đơn giản, tổng chi phí dao động khoảng 100 triệu đồng. Còn đối với những ngôi nhà làm từ gỗ cao cấp, đặc biệt là lim, công tháo lắp có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu may mắn “săn” được nhà gỗ quý, một “thợ săn” có thể rủng rỉnh đút túi tới vài trăm triệu đồng tiền thi công, tháo lắp nhà cổ.
Công việc của thợ đi “săn” là tìm mua nhà cổ cho đại gia, sau đó mang về dựng lạ.i |
Theo anh Đỗ Dân (Thanh Hóa), một “thợ săn” nhà gỗ có tiếng tại miền Bắc, nhiều mẫu nhà gỗ phải làm mới theo yêu cầu của khách hàng, bao gồm một số công đoạn đặc thù như chạm khắc thêm họa tiết, sơn son thếp vàng, hoặc sơn đen lại, giá công tháo lắp có thể lên tới cả 500 triệu đồng, tùy thuộc vào diện tích và chất lượng gỗ.
Trung bình với những “thợ săn” lành nghề một tháng có thể dựng lại từ 2-3 căn nhà gỗ truyền thống, trừ một số chi phí như tiền vận chuyển, phí nhân công, mỗi tháng có thể thu nhập vài chục triệu, tháng cao điểm có thể lên đến cả trăm triệu.
Nghề “săn” nhà gỗ ngày càng thu hút những thợ mộc lành nghề tại các làng mộc ở Chàng Sơn, Canh Nậu (Thạch Thất), Sơn Đồng (Thạch Thất, Hà Nội). Dù cực trong việc tìm kiếm, săn đuổi những khúc gỗ quý nhưng bù lại những người đi “săn” nhận được thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra. Rõ ràng, tầng lớp đại gia Việt cũng đang ngày càng “chịu chơi” và cách chơi cũng ngày càng tinh tế, đa dạng hơn.