Covid-19 là “phép thử” hệ thống y tế một quốc gia
Cuộc họp nhằm chia sẻ và cảm ơn các đối tác và cộng đồng quốc tế về những hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; trao đổi về bài học của Việt Nam trong phòng, chống dịch; một số xu hướng quốc tế trong việc tìm kiếm, tiếp cận vaccine và các phương pháp điều trị mới hiệu quả đối với Covid-19…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam chính là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị xã hội, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, sâu sát của Đảng, Chính phủ, sự tham gia của các Bộ, ban ngành, các hội đoàn thể, chính quyền các cấp Trung ương và địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế, Việt Nam đã hết lòng chia sẻ, chung tay ủng hộ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm Covid-19…
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN và hiện đang tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi. Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam là nơi đặt trung tâm CDC khu vực và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý với đề nghị này.
Cho đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, được thế giới công nhận, trong đó hợp tác đối tác giữ vai trò quan trọng. Từ kết quả đó, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết lập trạng thái bình thường mới, duy trì các biện pháp phòng dịch hiện có và quan trọng triển khai các hợp tác, tiếp cận vaccine và các phương pháp điều trị mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, Covid-19 là “phép thử” đối với hệ thống y tế của một quốc gia, là tiền đề để ngành Y tế rà soát, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế công cộng và các vấn đề sức khỏe toàn cầu.
Những vấn đề này đặt ra yêu cầu chuẩn bị một hệ thống y tế toàn diện, có năng lực, sẵn sàng, chủ động, tự lực và bền vững để ứng phó với rủi ro và phục hồi phát triển.
Để người dân tiếp cận vaccine phòng Covid-19 sớm nhất
Thông tin về tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, quan điểm xuyên suốt và tư tưởng chủ đạo của Chính phủ là làm thế nào để người dân được tiếp cận vaccine phòng Covid-19 sớm nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất.
Thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Hiện, Việt Nam có 4 công ty nghiên cứu, sản xuất vaccine, trong đó có 3 công ty nhà nước và 1 công ty tư nhân. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ Y tế đã cắt ngắn toàn bộ thủ tục hành chính, đưa ra thủ tục được rút gọn nhưng vẫn đảm bảo về chuyên môn.
Ông Long nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, việc gián đoạn chuỗi cung ứng vaccine là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, việc tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine là điều mà Việt Nam hướng tới đầu tiên.
Mặc dù việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam đã có dấu hiệu khả quan khi thử nghiệm tiền lâm sàng, nhưng để vaccine phòng Covid-19 có thể sử dụng cho toàn dân thì vẫn còn xa.
Để người dân sớm được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế sẵn sàng đầu tư, hợp tác với các nước để Việt Nam có thể sản xuất vaccine. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, do Covid-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ nên vẫn có những quy định pháp lý chưa thể vượt qua.
Theo ông Long, Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch và kịch bản tiêm chủng cho người dân. Theo kinh nghiệm của thế giới, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 phải được ưu tiên cho những người có nguy cơ cao mắc Covid-19, là nhân viên y tế, người làm dịch vụ thiết yếu, người già, người có bệnh lý nền,… Bộ Y tế đang thảo luận để đảm bảo vaccine khi được cung ứng và sử dụng cho người dân đảm bảo tính an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề đổi mới kĩ thuật đang được Bộ Y tế đặc biệt chú trọng.
Phát biểu tại cuộc họp, TS.Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Y tế Việt Nam nói riêng trong thời gian tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia khỏe mạnh và an toàn nhất trên thế giới.
TS.Kidong Park cho biết, trường hợp ca nhiễm Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh là lời nhắc nhở kịp thời cho tất cả chúng ta rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc và nguy cơ vẫn còn cao và chúng ta cần cảnh giác và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm mọi lúc.