Đã ứng tiền nhưng không nhận được hàng
Theo bà Hương, năm 2020, tình hình dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị y tế tăng cao, Cty Sơn Lâm mua và xuất găng tay y tế đi Mỹ.
“Khoảng tháng 10/2020, thông qua bạn bè, tôi gặp ông Phạm Hữu Lễ. Biết Cty tôi đang có nhu cầu mua găng tay y tế để xuất khẩu, ông Lễ nói biết một nhà cung cấp găng tay y tế thương hiệu uy tín của Mỹ là Medcare tại Việt Nam. Ông Lễ cung cấp cho tôi giấy ủy quyền được độc quyền sản xuất gia công và phân phối thương hiệu găng tay Medcare tại Việt Nam của Cty Trần Lưu, đồng thời cung cấp một hộp găng tay mẫu”, bà Hương kể.
Ngày 8/12/2020, Cty Sơn Lâm ký hợp đồng mua bán găng tay y tế với Cty Trần Lưu; loại găng tay Nitrile không bột, hàng mới 100% thương hiệu Medcare, số lượng 10.000 thùng, tổng giá hơn 18 tỷ. Thời gian hàng về 10 – 15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, thời gian giao hàng, bên bán sẽ thông báo bằng văn bản trước 3 ngày.
Bà Hương nói: “Ngay trong ngày ký hợp đồng, ông Lễ và ông Trung nói Cty Trần Lưu đã có găng tay nên yêu cầu tôi tạm ứng tiền. Ông Trung yêu cầu tôi tạm ứng tiền mua hàng cho Cty CP Sài Gòn Chấn Phát bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản Cty Chấn Phát hơn 3,55 tỷ và đưa tiền mặt hơn 2,6 tỷ cho nhân viên Chấn Phát. Tổng cộng tôi đã giao hơn 6,1 tỷ. Theo lời ông Trung, đây là Cty cung cấp găng tay cho Cty Trần Lưu nên tôi nộp tiền để họ xuất hóa đơn trực tiếp cho tôi”.
“Để đảm bảo, tôi đến tận kho Cty Chấn Phát đưa tiền. Tại đây, tôi thấy có nhân viên và xe tải của Cty Trần Lưu đã chất đầy hàng hóa là găng tay một thương hiệu khác”.
“Sau khi nhận tiền, Chấn Phát xuất hóa đơn cho tôi với nội dung mua găng tay Vgloves. Tôi không đồng ý vì đây không phải thương hiệu chúng tôi cần mua và đã ký hợp đồng”, bà Hương kể.
Nhận thấy sự tình hình khó hiểu, bà Hương tìm hiểu thì phát hiện Cty Trần Lưu không có xưởng sản xuất, không có bất cứ hợp đồng gia công găng tay thương hiệu Medcare với đơn vị nào; tra cứu trên website Bộ Y tế thì không có bất cứ hồ sơ đăng ký nào của Cty Trần Lưu.
Theo lời bà Hương, sau đó ông Trung ông Lễ thuyết phục bà chờ thêm một thời gian để Cty Trần Lưu bán được hàng sẽ trả lại tiền đã nhận.
Đến 5/2/2021, Cty Trần Lưu ký biên bản đối chiếu công nợ với bà Hương với số tiền hơn 6,1 tỷ; thời gian thanh toán chậm nhất đến 31/3/2021.
Bà Hương nói: “Đến nay, phía ông Trung vẫn không trả đồng nào. Khi gọi đòi thì ông Trung vẫn nói chờ xuất được hàng mới có tiền trả”.
Một bản hợp đồng trong sự việc |
Bên bị tố: “Chờ bán được hàng, tôi sẽ hoàn trả lại tiền”
PV trao đổi qua điện thoại với ông Trung, được trả lời vào 2020, do mức độ “nóng” của khẩu trang găng tay y tế nên nhiều Cty đổ xô sản xuất, mua bán, cung ứng, Cty Trần Lưu cũng tham gia.
“Tôi không làm việc trực tiếp với bà Hương mà thông qua ông Lễ. Ông Lễ làm việc đó, rồi mới giao hàng qua bên tôi đóng gói. Lúc đó chưa đầy đủ thủ tục nên chưa xuất đi được. Giai đoạn này, tôi đầy đủ chứng từ xuất đi rồi. Tôi xuất hàng sẽ trả lại tiền chứ không lừa gì ai hết”, ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng, năm 2020, Cty Trần Lưu mới hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị y tế nên chưa nắm bắt được những thủ tục pháp lý cần thiết để xuất hàng, còn thiếu sót một số thủ tục giấy tờ.
“Tôi làm ăn hoàn toàn không có gian dối. Do đó, hồi trước Tết (5/2/2021) tôi sẵn sàng xác nhận, ký đối chiếu công nợ với bà Hương. Mình làm thì mình có trách nhiệm nên mới ký đối chiếu công nợ với bên bà Hương”, ông Trung nói.
Phản bác quan điểm của ông Trung, bà Hương nói: “Tại thời điểm ký hợp đồng, ông Trung không có hàng, không có giấy tờ hợp lệ thì lấy cái gì mà ký bán và nhận tiền?”.
“Ông Trung không thể nói khi đi kinh doanh mà không biết thủ tục pháp lý. Không biết thủ tục pháp lý và chưa hoàn thành, tại sao đưa giấy ủy quyền độc quyền của hãng Medcare, rồi đóng hộp mẫu đưa cho môi giới là ông Lễ đi chào bán?”, bà Hương nói.
“Việc ông Trung nói đợi xuất được hàng sẽ trả tiền cho tôi là rất vô lý. Tôi không liên quan đến việc ông Trung xuất hàng với ai, tôi không thể đợi ông Trung bán hàng được mới trả tiền. Ông Trung sử dụng tiền của tôi vào mục đích khác và không thể trả”, bà Hương nói.
LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Để xác định bên bán có hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm hay chỉ tranh chấp về hợp đồng thương mại, cần phải xác định nhiều yếu tố. Với việc thực hiện hợp đồng, cần xác định lượng hàng hóa bên bán giao là nhầm lẫn hay cố tình để nhằm trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Xác định bên bán dùng số tiền mà bên mua tạm ứng vào mục đích gì, mua hàng hay sử dụng mục đích khác? Từ đó mới xác định hành vi của bên bán. Đối với việc trả lại tiền, phải xác định bên bán có điều kiện trả nợ hay không? Nếu có mà không thực hiện thì là hành vi “lạm dụng tín nhiệm””.
“Theo tôi, bên mua trước tiên nên yêu cầu bên bán cung cấp hồ sơ về nguồn gốc, mục đích, tại sao lại nhập từ một công ty khác của lượng hàng hóa đã giao nhưng không đúng. Nếu bên bán không cung cấp hoặc không có thì lúc đó nên mời cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ”.