Thiên tai gây thiệt hại gần 20 ngàn tỷ đồng trong năm 2018
Hội nghị này nhằm triển khai nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị PCTT toàn quốc vào ngày 20/6 vừa qua và đánh giá công tác PCTT trong khu vực; cách thức phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, kết quả đã đạt được cũng như những thách thức, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; rút ra bài học kinh nghiệm, thời gian qua nhất là đợt lũ 2018.
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình thiên tai năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội nghị Phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam 2019 |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu: “Đến thời điểm này, tại khu vực miền Nam đã xảy ra 80 điểm sạt lở, 117 trận dông, lốc, sét, nhất là bão số 9, lũ đến sớm và trên báo động II; mặc dù đã giảm thiểu nhưng thiên tai đã làm 10 người chết và mất tích (chiếm 4% cả nước), thiệt hại ước tính khoảng 110 tỷ đồng (chiếm 1% cả nước)”.
Tại tỉnh Cà Mau, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, tỉnh này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… Từ đó gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Phát động phong trào trồng rừng ngập mặn ở một số tỉnh ĐBSCL
Trong khuôn khổ chương trình, sáng 20/7, tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh ĐBSCL”.
Tham dự Lễ phát động có khoảng 500 người là lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và lãnh đạo UBND một số tỉnh ĐBSCL và của tỉnh Cà Mau, người dân và các em học sinh của xã Khánh Bình Tây và các xã lân cận.
Các đại biểu đã tham gia Lễ ra quân trồng rừng ngập mặn |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Đây là dịp để cho cán bộ, nhân dân các tỉnh ven biển ĐBSCL và tất cả chúng ta nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển; hiểu rõ lợi ích, giá trị do rừng ngập mặn mang lại. Từ đó, tích cực tham gia trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.
Ông Tim McGrath - Giám đốc GIZ khẳng định, tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp phục hồi rừng ngập mặn với bảo vệ bờ biển để có một giải pháp toàn diện và hiệu quả bảo vệ vùng ven biển. Đây cũng chính là lĩnh vực ưu tiên của GIZ nhằm góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn để giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân.
Sau lễ phát động, các đại biểu đã tham gia Lễ ra quân trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi sau kè Đá Bạc thuộc ấp Kinh Hòn, Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.