Người Phú Bình sẽ tuân theo tiết trời tự nhiên, chỉ sử dụng những quả hồng được hái sau đợt sương giá đầu tiên làm nguyên liệu - lúc này nhiệt độ đủ thấp để tạo thành một lớp sương hấp dẫn trên bề mặt quả hồng.
Những quả hồng được hái, gọt vỏ, treo và phủ sương khoảng vài tháng, được nuôi dưỡng bằng gió và nắng, cuối cùng cô đọng lại thành một món ngon lạ miệng - hồng treo gió. Hương vị của nó rất tuyệt vời, hồng treo gió Phú Bình có lớp bột trắng như sương, không hạt, mềm, dẻo và ngọt thanh, được dùng làm vật cống nạp trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Nhẹ nhàng bẻ đôi, thịt đỏ óng ánh từ từ chảy ra giống như trái tim tan chảy, cắn một miếng, kết cấu vừa mềm vừa dai lại như mật ong quyện trên đầu lưỡi, rung động lòng người.
Ở Phú Bình, trong sân của rất nhiều gia đình, đều có một gian nhà kho bằng sắt lộ thiên, bên dưới treo những “dây hồng” vàng óng như đèn lồng, đung đưa trước gió, mang lại cảm giác vui vẻ ngập tràn.
Những năm gần đây, nhờ nhu cầu đối với quả hồng tươi và hồng treo gió tăng mạnh, một số vùng đã tận dụng đà phát triển biến quả hồng nhỏ ít giá trị trở thành một loại quả làm giàu cho địa phương. Do đó, cứ khi tiết trời vào đông, người dân Phú Bình hoàn thành xong công đoạn chế biến hồng ở nhà sẽ lại đến các công ty và hợp tác xã để “làm việc”. Cứ như vậy sau mỗi ngày làm thêm ở công ty, họ vui vẻ đút túi hơn 100 NDT/ngày.
Phú Bình là khu vực trồng hồng lâu đời và chất lượng nhất ở Trung Quốc. Bảo tàng hồng duy nhất trên thế giới ở Yoshino, Nhật Bản, có ghi chép rằng “quốc gia sản xuất quả hồng nổi tiếng nhất trên thế giới là Trung Quốc, khu vực quả hồng sinh trưởng chất lượng nhất là Phú Bình”.
Hồng Phú Bình hiện đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nga, Úc... và Trung Quốc đang tăng cường khai thác tiềm năng và “đánh bóng” thương hiệu hồng Phú Bình nhằm xây dựng địa phương giàu mạnh với ngành công nghiệp hồng trị giá hàng chục tỷ NDT.