Tại một khu chợ Tai Wo ở Hong Kong, trời mới xẩm tối nhưng các cửa hàng ở đây đã nhanh chóng thu dọn. Đó cũng là khi các chủ sạp hàng vứt bỏ các loại giá đỗ đã hơi chuyển màu nâu, những quả cam hơi bị bầm, rau củ tươi các loại đủ để bán cho cả ngày hôm sau.
Có tới 70% thực phẩm thải loại tại các khu chợ ở Hong Kong vẫn có thể ăn được bình thường |
Lãng phí bậc nhất khu vực
Những gì diễn ra ở Tai Wo chỉ cho thấy một phần nổi rất nhỏ của tình trạng lãng phí thực phẩm đang diễn ra rất mạnh tại đặc khu hành chính Hong Kong ở Trung Quốc. Với một thành phố ưa thích tiệc tùng như Hong Kong, mỗi ngày người dân ở đây bỏ đi số thực phẩm lên tới 3.600 tấn - theo thống kê trong năm 2011. Con số này đã nhiều hơn 11% trong năm 2010 và nó cho thấy thành phố này đặc biệt lãng phí khi so với các vùng lãnh thổ và quốc gia ở xung quanh.
Theo thông số do tổ chức Friends of the Earth cung cấp, mỗi ngày, mỗi người Hong Kong đổ bỏ tới nửa cân thực phẩm, so với 0,36kg ở Singapore, 0,35kg ở Đài Loan và 0,29kg ở Hàn Quốc. Friends of the Earth đã triển khai một chiến dịch khuyến khích người dân giảm bớt ít nhất 2 món ăn trong các bữa tiệc cưới, tiệc mừng khai trương doanh nghiệp và các bữa tiệc khác. Được biết những bữa tiệc như thế thường có tới 12 món ăn, quá nhiều tới mức người ta thường ra về khi thực phẩm vẫn còn thừa mứa trên bàn.
Có tới 2/3 thực phẩm thừa của thành phố tới từ các hộ gia đình và 1/3 tới từ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, trường học. Tuy nhiên nhóm 1/3 này đang lãng phí ngày càng nhiều thực phẩm.
Việc tái sử dụng thực phẩm ít khi được người dân Hong Kong bàn tới. Nguyên nhân do phần lớn người ở đây sống tại các cao ốc, họ không có không gian để trồng cây và biến rau củ thừa trở thành phân bón. Thành phố cũng không có hoạt động nào để tái sử dụng thực phẩm thừa. Vấn đề thực phẩm thừa đã trở nên cấp thiết khi 3 bãi đổ rác của thành phố đang tiến dần tới điểm sắp đầy tràn. Dự tính cả 3 điểm này sẽ đầy rác vào năm 2018.
Cả xã hội vào cuộc
Để chống lại sự lãng phí thực phẩm, các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp và giới khoa học Hong Kong đều đã vào cuộc. Hiện khoảng hơn một chục tổ chức thiện nguyện đã tham gia điều hành các chương trình tái sử dụng thực phẩm. Một ví dụ điển hình là hoạt động tái sử dụng thực phẩm đang thí điểm ở chợ Tai Wo.
Chương trình do Liên minh các Công đoàn Thương mại Hong Kong điều hành, sẽ huy động học sinh ở một số trường học gần đó đi thu gom rau cỏ thải loại và dùng chúng để nấu ăn cho người thất nghiệp, người nghèo ở thành phố. Số rau củ còn lại sẽ được chuyển tới cho các nông trại địa phương để dùng làm phân bón.
"Chúng tôi thường thu được khoảng 180kg rau củ mỗi ngày và 70% trong số đó là ăn được" - Christina Jang, người làm việc cho dự án trên ở Tai Wo cho biết - "Số rau củ này đủ để cho 60 người ăn".
Công nghệ sinh học là một hướng khác giúp giảm lãng phí. Carol Lin, một nhà khoa học ở Đại học Thành phố Hong Kong hiện đang đi tiên phong trong một công nghệ sẽ sử dụng bánh mỳ và các thực phẩm thừa khác để làm acid succinic, một hóa chất được dùng nhiều trong việc sản xuất chất dẻo, vải và các loại sợi tổng hợp khác. "Chúng tôi tin quy trình tái chế này có thể mang lại lợi nhuận" - bà nói.
Acid succinic thường chỉ được sản xuất thông qua hoạt động hóa dầu. Vì thế các lò tinh luyện acid sử dụng công nghệ sinh học của bà mang đến những tiềm năng lợi ích lớn: chúng vừa giúp giảm bớt tình trạng lãng phí thực phẩm, vừa giúp giảm tình trạng lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hữu hạn như dầu.
Cho tới nay, chưa công ty nào sẵn sàng bỏ ra khoản đầu tư lên tới 2,5 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất acid succinic ở Kong Kong, nơi đất đai đang rất hiếm hoi và đắt đỏ. Nhưng tiềm năng của công nghệ sinh học trong việc giảm lãng phí là không thể phủ nhận.
Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng đã triển khai các chương trình chống lãng phí riêng. Gần đây, chính quyền đã cam kết cắt giảm lãng phí thực phẩm thêm 10% trong 3 năm tới. Chính quyền cũng đang triển khai hoạt động thăm dò ý kiến dư luận về việc sẽ tăng thu phí gom rác. Đây là chính sách đã khiến tình trạng xả rác giảm mạnh ở Seoul và Đài Loan.
Được biết chính sách thu phí theo túi rác được triển khai ở Đài Bắc hồi năm 2000 đã giảm tới 62% số lượng rác sinh hoạt được thải ra. Trong vòng 10 năm, chính sách cũng đã giảm 20% lượng rác sinh hoạt tại Đài Bắc. Chính quyền Đài Bắc còn đóng cửa các điểm đổ rác công cộng để chống nạn xả rác và sự thành công của chính sách khiến nơi đây chưa phải xây dựng lò thiêu rác.
Thay đổi tư duy
Hiện chưa rõ Hong Kong có thể thay đổi như Đài Loan hay không, nhưng một cuộc thăm dò do Friends of the Earth tiến hành hồi tháng 11 cho thấy 65% trong số 1.000 người được thăm dò trả lời rằng họ sẵn sàng trả phí thu gom rác, tăng hơn so với con số 52% của một năm trước đó.
Trở lại chợ Tai Wo, các học sinh vẫn đang cần mẫn đẩy xe thu gom rau củ tới một bếp ăn tập thể đặt ở trung tâm huấn luyện của Liên minh Các công đoàn Thương mại Hong Kong. Hai đầu bếp ở đây sẽ chọn lọc và cân các loại rau củ thu gom được và dựa vào những nguyên liệu này để làm ra một loạt món ăn, từ súp đu đủ tới khoai tây nấu trứng, súp lơ rán và canh cải bắp.
Những thực phẩm này sẽ được phục vụ cho chính những đứa trẻ đã thu gom thực phẩm và các em thừa nhận rằng chưa từng tưởng tượng ra việc bữa ăn của mình lại được làm từ thực phẩm thải loại. Giáo viên Alice Lee hy vọng trải nghiệm mới sẽ khuyến khích những đứa trẻ nghĩ kỹ hơn về thực phẩm chúng sẽ vứt bỏ. Bà nói rằng rất nhiều đứa trẻ hiện rất hay vứt bỏ đồ ăn ở trường để rồi sau đó lại lê la quán xá để ăn mì. Các nhà tổ chức chiến dịch cũng hy vọng một bữa ăn như thế này sẽ đọng lại mãi trong tâm trí của các học sinh và cuối cùng sẽ giúp giảm hẳn tình trạng lãng phí thực phẩm rất lớn ở Hong Kong.
Tường Linh