Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều qua, 15/8, tổ chức hội thảo “Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đồng giới – góc nhìn đa chiều”.
Xin đừng “chối bỏ” họ
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội không giấu được sự xót xa khi đưa ra dẫn chứng: Có những người đồng tính (ĐT) thẳng thắn thừa nhận với bố mẹ về giới tính thật của mình thì bị họ cho là tâm thần, rồi miệt thị, rỉa rói không tiếc lời, đồng thời bắt đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để chữa trị. Rồi có không ít trường hợp sau khi biết con mình là người thuộc thế giới thứ ba đã “lấp liếm” bằng cách ép bằng được anh ta lấy vợ, mà không cần biết hậu quả thế nào.
|
Những đám cưới như thế này đang khiến quan niệm về quan hệ hôn nhân đồng tính dần được cởi mở |
Cảnh ngộ của T.V.D (HN) là một thực tế đau lòng. Bị cha mẹ ép gả, D đành phải cưới một cô vợ mà anh không hề yêu. Sau khi kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng anh cứ nhạt dần và càng lạnh lẽo hơn khi họ có con. Cuối cùng, anh vẫn đi theo tiếng gọi của con tim và dấn thân vào các cuộc tình ĐT.
Kết cục cô vợ đã phát hiện ra sự thật và không tránh khỏi sự dằn vặt, đau đớn. Đứa con cũng không thể vui vẻ, hạnh phúc khi sống trong bầu không khí lạnh nhạt, căng thẳng của bố mẹ. Ngoài câu chuyện buồn của vợ chồng anh D là hàng ngàn, hàng vạn nghịch cảnh tương tự xảy ra trong nhóm đối tượng này. Thậm chí, không ít người đã tìm cách quyên sinh để thoát khỏi bi kịch (một nghiên cứu gần đây cho thấy, số ca tự tử là người ĐT cao gấp 5 lần so với những người khác).
“Ngày càng có nhiều người ĐT lộ diện để được sống với chính bản thân mình. Nhưng khi họ công khai giới tính thật, họ đồng thời phải đối diện với rất nhiều khó khăn: Gia đình chửi bới, nhiếc móc, ở trường học thì bị bạn bè bêu riếu, trêu chọc, ở nơi làm việc thì mọi người soi mói, kỳ thi, thậm chí là nguy cơ mất việc là rất lớn. Chính vì lẽ đó, nhiều người ĐT buộc phải sống trong một bỏ bọc của sự dối trá , cùng với sự dằn vặt, khổ sở”, Nguyễn Tùng Vũ, nhóm Ước mơ Tuổi trẻ chia sẻ rất chân tình tại buổi tọa đàm.
Thừa nhận hôn nhân đồng giới – chấm dứt nhiều hệ lụy?
Chính vì không được thừa nhận, chính vì bị kỳ thị, phân biệt đối xử những người ĐT càng co mình vào vỏ ốc. Và họ sống tự do, buông thả, mà không cần giữ gìn gì cả. Sự lây nhiễm HIV cũng bắt nguồn từ đây.
Tuy chỉ mới thống kê được ở một vài TP lớn, nhưng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm ĐT đã khiến chúng ta phải giật mình và nó càng có xu hướng phát triển, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời. Song hành với nó là một loạt những vấn đề xã hội liên quan như: Thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới; xem xét xử lý tội danh mua bán dâm trong nhóm này…
Tỷ lệ ĐT trong dân số khá ổn định (khoảng trên dưới 13% dân số). Nghiên cứu mới đây trên 5000 người cho kết quả: Có tới 1,4% nam giới bị hấp dẫn bởi người cùng giới và 1,2% là kết quả khảo sát ở giới nữ… |
BS. Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng cũng đưa ra ý kiến: Chúng ta đã có căn cứ rõ ràng để nhận định rằng quan hệ tình dục đồng giới chỉ là một xu hướng và nó cũng không phải là bệnh hoạn, đáng bị lên án.
Thực tế, những người ĐT cần hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều, đặc biệt là về mặt tâm lý và sức khỏe, nhưng họ lại không dám tiếp cận với các dịch vụ này vì sợ mọi người biết sự thật. Vì thế, việc tạo dựng một hành lang pháp lý để công nhận và hỗ trợ họ là việc cần thiết và nên làm. Bởi có công nhận họ, không kỳ thị với họ thì họ mới bộc lộ mình.
“Làm được điều này, chúng ta không những ngăn chặn được sự lây nhiễm HIV và các bệnh tình dục trong nhóm này mà còn giải quyết được rất nhiều vấn đề và hệ lụy trong xã hội”, BS Giang nhấn mạnh.
Tán thành quan điểm trên, GS sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây là một vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, chúng ta nên có những bước đi dần dần để tạo nên một sự bình thường trong xã hội, từ từ thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về vấn đề này. Để làm được điều này, mỗi cơ quan, tổ chức tự tổ chức làm, tự thay đổi suy nghĩ của mình thì sẽ thay đổi được tất cả.
“Hai người ĐT kết hôn với nhau chắc chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và không dễ giải quyết. Nhiều nước trên thế giới cũng đang trăn trở về vấn đề này. Bởi vậy, chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu, xem xét để xây dựng các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với đất nước mình, nhưng hướng tới đáp ứng những quyền lợi chính đáng của người ĐT”, GS. Dương Trung Quốc khẳng định.
Trà Long